Đó là một căn nhà mái lợp bằng rơm, cửa sổ hướng về phía dòng sông.
Cái bàn được đặt trước cửa sổ này.
Gần cửa ra vào, có treo một cái khăn rửa mặt đã sờn rách, bên cạnh là
bánh xà phòng. Ông dùng hết hai bánh một năm. Đó là một loại xà phòng
tốt, có nhiều bọt, giặt rửa rất sạch quần áo, bát đĩa, đồ nấu bếp, thân thể và
cả đầu tóc.
Trên tường trước cái võng, treo một tấm ảnh đã được sửa lại, tác phẩm
của một thợ ảnh trên cao nguyên chụp một đôi vợ chồng trẻ.
Chàng trai, Antonio José Bolivar, mặc áo vét xanh, áo sơ mi trắng, đeo
cà vạt kẻ sọc. Cái cà vạt chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của người thợ ảnh
truyền thần.
Cô gái, Dolores, khoác trên người những đồ trang sức có thật. Những
thứ vẫn còn tồn tại ở một chốn bướng bỉnh trong trí nhớ, nơi vùi sâu gốc rễ
của một cuộc đời cô đơn.
Chiếc khăn nhung xanh viền đăng ten phủ đầu làm tăng thêm vẻ trang
trọng của khuôn mặt, nhưng nó vẫn để lộ mái tóc đen nhánh được rẽ làm
đôi, thả xoã xuống lưng. Một đôi hoa tai mạ vàng lủng lẳng ở dái tai, còn cổ
cô thì đeo một sợi dây chuyền cũng mạ vàng quấn thành nhiều vòng.
Tấm ảnh cũng cho người ta thấy cái áo thêu theo mốt vùng Otavalo mà
cô khoác trên ngực. Ở phía trên, đôi môi nhỏ xíu bôi son đỏ của cô gái nở
một nụ cười.
Hai người quen nhau từ thuở nhỏ ở San Luis, một làng trên cao nguyên,
gần ngọn núi lửa Imbabura. Họ đính hôn vào tuổi 13. Hai năm sau hai
người tự nhiên trở thành vợ chồng, sau một lễ cưới mà họ không thật sự
tham gia, như bị tê liệt bởi một cuộc phiêu lưu quá lớn so với chính họ.