rằng cuộc gặp gỡ Khổng Tử − Lão Tử này chỉ là một khung cảnh văn học,
trong đó cuộc tranh luận về vấn đề Hữu Vi và Vô Vi được diễn ra giữa hai
trường phái Khổng giáo và Đạo giáo hơn là giữa hai nhân vật lịch sử
Khổng Tử và Lão Tử.
b) Vượt ải quan − Con đường viễn xứ − Đạo Đức Kinh năm ngàn
chữ:
Sử ký Tư Mã Thiên trong cùng một thiên viết về Lão Tử có ghi thêm câu
chuyện vượt ải của Lão Tử: Khi thấy nhà Chu suy, Lão Tử bỏ đi, đến cửa
ải, được viên quan coi ải là Doãn Hỉ yêu cầu ông viết sách để lại. Lão Tử
bèn làm sách, gồm hai thiên thượng và hạ nói về Đạo và Đức, trên hơn năm
ngàn chữ. Đoạn Lão Tử ra đi, không biết đi về đâu, ra sao.
Câu chuyện vượt ải của Lão Tử cũng thuộc phần truyền thuyết và hoang
đường, nhưng đã là đề tài văn chương cho khắp thế giới văn học, nhờ đó
mà ta mới được một bài thơ hay của B. Brecht với tựa đề “Con đường viễn
xứ của Lão Tử” (1938), trong đó Brecht kể lại truyền thuyết Lão Tử trước
tác quyển Đạo Đức Kinh bên cửa ải viễn xứ, với ý tưởng thâm sâu, “nhu
thắng cương, nhược thắng cường” giống như nước rất mềm yếu mà đánh
tan cả những tảng đá lớn ( Đạo Đức Kinh 36, 78), cũng như ta mới có được
một truyện ngắn rất tài thú của P. Claudel với tựa đề “Sự ra đi của Lão Tử”,
trong đó P. Claudel nói về sự ra đi biền biệt của con người, của những
người thân thương, để lại vẻn vẹn chỉ còn một giọng nói, nhưng như thế là
đủ, để nhờ thế con người thân thương của ta sẽ lại được mới mẻ sống dậy
với ta và trong ta (P. Claudel, Truyện ngắn , 508). Quyển Đạo Đức Kinh
gồm 5.000 chữ chỉ là một lối nói. Không có bản Đạo Đức Kinh nào gồm
chính xác 5.000 chữ; hiện thời chúng ta có một số bản văn với những số
chữ 5320, 5722, 5630, 5610, 5683, v.v...
c) Thái độ cưỡng văn minh?