ra là sự hiện diện và tác động của Đấng Tối Cao ” (J. Legge, The Religions
of China: Confucianism and Taoism described and compared with
Christianity ; London 1880, 43).
Những ý tưởng trên đây trong Kinh Dịch làm ta liên tưởng đến Đạo Đức
Kinh . Trong Đạo Đức Kinh (chương 42), Đạo cũng được diễn tả qua âm và
dương; Đạo cũng đóng vai trò “không lường được” trong thế giới hiện
tượng; Lão Tử cũng nói về thế giới hình tượng, trong đó có cái gì mập mờ,
thấp thoáng, thâm viễn, tinh túy, cái đó là Đạo. Đạo là thiện, là sáng tạo
mọi vật, đồng thời là đón nhận, là huyền vi, là âm tính mềm dịu. Với Đạo
Đức Kinh và với Thập Dực của Kinh Dịch , quả thật chúng ta đang ở giữa
thế giới siêu hình của Đạo . Thập Dực chỉ mới bắt đầu suy luận về Đạo,
Đạo Đức Kinh trái lại quảng diễn thông suốt và thâm viễn về Đạo trong
mọi hình tượng và biến dịch của trời đất và lịch sử.
e) Tạm kết:
Sau những gì đã trình bày, nay ta có thể đi đến một kết luận tạm thời:
Đạo Đức Kinh đã trình bày một khái niệm rất mới, rất độc đáo và rất an
nhiên về Đạo, làm cho ta có thể nói rằng tác giả của Đạo Đức Kinh phải đã
có được một cái nhìn siêu hình rất mới và rất thâm viễn về Đạo mà các văn
triết nhân trước đó chưa có được. Tác giả đã đem lại cho Đạo một nội dung
mới mà trước đó trong tư duy triết học chưa hề có và sau đó chưa có ai
vượt xa hơn. Những suy luận sau đó về Đạo thường không gì hơn là chỉ
những chú thích cuối trang về khái niệm Đạo trong Đạo Đức Kinh.