CHƯƠNG 2
ÐẠO VÀ BẢN THỂ CỦA ÐẠO
TƯ TƯỞNG NÒNG CỐT CỦA LÃO TỬ LÀ
GÌ?
J. Shih nghĩ rằng chìa khóa tư tưởng của Lão Tử là “thường, vô, và hữu”,
nghĩa là những gì bền vững, là vô vật và hữu vật; khái niệm “thái cực”
cũng thuộc vào đó. Đối với Chan Wing-tsit thì chương 16 nói về sự “trở về
nguồn gốc” (quy căn) là quan trọng nhất. Còn đối với H. Welch thì quan
trọng nhất là chương 39, vì trong đó Đạo được định nghĩa rõ ràng nhất như
là nguyên lý thống nhất trời đất vũ trụ. Lâm Ngữ Đường luôn nhấn mạnh ý
tưởng “trở về” trong chương 40, trở về với bản tính, với Đạo như là nòng
cốt và toát yếu tư tưởng của Lão Tử. Phùng Hữu Lan thấy sự phản phục là
tư tưởng căn bản của Lão Tử; nếu người ta hiểu được tư tưởng chính này,
thì mọi khó khăn khác có thể dễ dàng giải thích được. Còn đối với tác giả
Kinh Xuân Thu (XVII, 7) thì ý tưởng “nhu mềm” là quan trọng nhất. D.C.
Lau cũng nghĩ như thế và nói rằng, phải đánh giá mọi việc bằng tính “nhu
mềm” và ở lại trong “nhu mềm”.
Trước nhiều ý kiến khác nhau như thế, truyền thống lại đã bước đi trên
một con đường rất đơn giản; nhiều thế kỷ sau khi tác phẩm thành tựu,
truyền thống chỉ gọi nó là “Đạo Đức Kinh” , nghĩa là quyển sách nói về
Đạo và Đức của Đạo. Với tên sách đó, truyền thống đã nói lên được cái cốt
lõi tư tưởng của Lão Tử. Mọi sự đều quay quanh Đạo. Đức thì cũng sẽ dễ
hiểu, một khi người ta hiểu được Đạo, vì Đức là “tinh thần” của Đạo.
Thường, vô, hữu, thái cực, phản phục... đều chỉ là những thuộc tính của
Đạo. Đạo chính là chìa khóa của Đạo Đức Kinh vậy .