tên. Cách hiểu thứ nhất của cả hai vế xem ra đúng nghĩa hơn với văn mạch
của Đạo Đức Kinh.
Đạo thường vô vi: Trong chương 37, còn nói đến Đạo Thường trong
quan hệ với không hành động mà lại hành động: “Đạo thường vô vi, nhi vô
bất vi”. Ta sẽ bàn trong phân đoạn sau (3.).
b) Đạo − vĩnh cửu, bất biến:
Trong nền văn hóa Trung Hoa và nói chung ở Đông Á, hệ tư tưởng
thường thiên về hiện tượng di dịch, biến đổi, suy thoái, chuyển hóa, vô
thường, như đã được diễn tả trong Kinh Dịch . Nói thế không có nghĩa là
nền tư tưởng Trung Hoa và Đông Á không có quan niệm về khía cạnh
thường tồn, vững mạnh, bất biến, vĩnh cửu. Trái lại, chính cái thường đã
làm cơ sở cho vô thường, suy thoái, biến đổi, tạm thời. Và nếu Dịch nghĩa
là di dịch và biến dịch thì các sự thay đổi kia cũng đã phải dựa trên cơ sở
những nguyên lý tự nhiên và siêu hình là bất dịch, “hằng số vĩnh cửu” (D.
Bodde). Do đó, Thường cũng có nghĩa là bất biến, vĩnh cửu; Đạo Thường
là Đạo vĩnh cửu, bất biến.
Chữ Thường trong Đạo Đức Kinh − ngoài những nghĩa sinh động và
vững mạnh, bất biến − còn có những ý nghĩa rất thâm viễn và thiết thực:
“Thường” − một khi nắm vững được nguồn gốc là Đạo, thì có sức làm cho
cuộc đời rảnh rang, nhàn hạ, không nguy khốn, nghĩa là đem lại sự cứu
thoát; và ngược lại, có thể trọn đời không sao cứu được (c. 52).
Nhìn nhận được Thường, có nghĩa là:
− Đi về ánh sáng: phục quy kỳ minh (c. 52);
− Được chiếu sáng và giác ngộ (c. 55);
− Được yên tĩnh, sáng suốt, và nhất là trở về nguồn cội (c. 16).