mystica”) của Lão Tử. Cả Hackmann cũng như Zenker hiểu vô vi qua sự
“trống không” của Đạo, trống không được xem như là bản thể của Đạo. Vô
vi không thể được hiểu là chối bỏ hành động. J. Needham đã có lý mà lưu ý
rằng, vô vi chỉ chống lại những hành động đi ngược với thiên nhiên; tích
cực diễn tả thì vô vi là hành động thích ứng với thiên nhiên. Người Trung
Hoa và Á châu đều hiểu như thế; và thích ứng với thiên nhiên là phù hợp
với sự chỉ dẫn của nội tâm, và đó là Đạo. Hiểu như thế thì triết lý của Lão
Tử cũng rất gần với giáo lý của Chí Tôn Ca ( Bhagavad-Gita ).
Lâm Ngữ Đường xem vô vi như là tính thiện tự bản thân, không tìm tòi,
không gắng gượng. Như thế thì “vô dục” có thể là đồng nghĩa với vô vi.
Người ta thường nói về sự đối chọi giữa hữu vi của Khổng giáo và vô vi
của Lão giáo. Thực ra quan niệm về người quân tử của Khổng Tử không
đến nỗi xa lạ lắm đối với quan niệm vô vi của Lão Tử, khi người quân tử
được xem như là “một vị tư tế trầm lặng chủ hành một lễ tế”. Đỗ Đình, tác
giả một tập sách nhỏ nhưng có giá trị về Khổng Tử, sau khi viết câu trên đã
trích một câu trong Luận Ngữ nói về thái độ của vua Thuấn chỉ giữ mình
cung kính, không làm gì mệt nhọc, mà thiên hạ được thái bình (LN 15: 4).
Vô vi vừa là nguyên lý vừa là thái độ, vừa là chuẩn mực vừa là mục đích.
Tựu trung, vô vi là sự hồn nhiên sinh sống, không gượng ép, không giả tạo;
một sự hồn nhiên sáng tạo. Cũng vì thế mà người ta tìm thấy tinh thần vô vi
rất gần với nghệ thuật (như thi văn, hội họa, âm nhạc) và cuộc sống huyền
nhiệm. Vô vi như thế là những giây phút sống thật rất trung thực, thanh
thản, an nhiên, trong sáng. Những giây phút đó là cao điểm của một sự
tương ứng không nói được nên lời, một sự hòa đồng trong an bình và thảnh
thơi; nó cũng là cao điểm của sự sáng tạo của con người trong các lĩnh vực
như nghệ thuật, văn chương, khoa học, tôn giáo, trong đó người ta cần ít
năng lực và chủ tâm, nhưng lại đạt được kết quả thật vô cùng lớn lao. Hiểu
như thế thì vô vi là một lý tưởng sống thật rất hấp dẫn, nhưng không dễ
dàng thực hiện, lại càng không phải là một thực đơn nấu ăn hay một lá bùa
thành công mau chóng. Triết gia K.Jaspers đã có lý mà nói rằng, “vô vi là