nguồn cội của vô tư, là hồn nhiên của nguồn cội”. Jaspers thật đã thấy
đúng, khi đặt vô vi tương quan với nguồn cội. Với Lão Tử, thì nguồn cội
chính là Đạo. Và như thế, giải thích cuối cùng về vô vi phải chính là trong
Đạo.
b) Đạo và vô vi:
Nói về vô vi, Đạo Đức Kinh thường chỉ về thánh nhân (c. 2, 3, 10, 57,
64) hoặc một cách chung (c. 48, 43, 38); nhưng dĩ nhiên giải thích và cơ sở
cuối cùng của vô vi là Đạo. Do đó ta cần phân biệt vô vi của Đạo và vô vi
của con người.
Đạo thường vô vi, nhưng không gì không làm: nhi vô bất vi (c. 37).
Vô vi chăm lo cho mọi vật mọi loài, nuôi nấng, che chở, giữ gìn, nâng
niu như một bà mẹ (c. 34, 51, 62). Làm mà không kể công (c. 34, 51); sinh
mà không chiếm làm của mình (c. 51), nên việc rồi thì lui thân (c. 9), để
muôn vật theo về mà không làm chủ (c. 34). Theo bản tính thì hoàn thành
mọi việc mà lại giữ mình trong thầm kín. Vậy nếu thánh nhân không xem
mình là sáng, không cho mình là phải, không cho mình có công, không
tâng bốc khoe mình (c. 22) thì chỉ vì lấy Đạo làm mẫu mực. Thánh nhân
hoàn thành mọi việc, không gì mà không làm, chỉ vì thánh nhân đạt được
vô vi (c. 48), không nghĩ đến công lao của mình (c. 34).
Vì thiên đạo là:
Không tranh mà lại thắng, không nói mà có kẻ nghe, không gọi mà tự
đến, thong thả mà xong việc (c. 73). Đạo cũng giống như bậc thánh lớn:
làm xong công việc cho dân mà dân cứ tưởng tự nhiên tự mình làm (c. 17).
Hoặc làm rất nhiều, giống như Lão Tử đã có lần nói về người chí nhân:
Thành tựu mỹ mãn mà dường như dở dang, đầy tràn mà dường như trống
không, âm lớn mà ít tiếng, tượng lớn mà không hình (c. 45, 41). Hành động
của Đạo cũng giống như thế; như vô vi, như không hành động.