và Lão Tử, trong đó Lão Tử đã có vẻ coi nhẹ Đức và Lễ. Cũng như Lão Tử
(c. 38) đã có vẻ chê đức, nhân, nghĩa, lễ, trí, nghĩa là các đức hạnh mà
Khổng giáo đề cao. Hiểu sai lầm như thế, vì người ta quên rằng, cũng chính
trong chương 38 đó, Lão Tử đã muốn nói rằng, Đạo là điều căn bản nhất,
không có Đạo thì Đức hạnh cũng chỉ là chuyện phụ thuộc bên ngoài thôi.
“Mất Đạo rồi mới có Đức” (Thất Đạo nhi hậu Đức). Vả lại, việc Lão Tử
dùng từ Đức với nghĩa tiêu cực như thế cũng chỉ có 3 đến 4 lần trong toàn
tập Đạo Đức Kinh , những lần còn lại thì từ Đức vẫn được trình bày một
cách rất tôn quý.
b) Những ý nghĩa của Đức:
Cũng như chữ Đạo, chữ Đức đã được hiểu và dịch ra bằng nhiều cách
khác nhau. Thường thì chữ Đức được hiểu trong một nghĩa luân lý, như
đức hạnh, đạo hạnh, kèm thêm một chút ít màu sắc tôn giáo, lễ nghi, phong
tục giới tính như khiêm nhu, trinh bạch. Ngôn ngữ Tây phương thường dịch
ra là ý nghĩa, cuộc sống, luật phép, bản tính, nghệ thuật sống, sức lực...
Nếu nhất thiết muốn dịch từ Đức thì có lẽ từ Hy Lạp aretê là gần hơn cả,
với các nghĩa khả năng thích ứng, giỏi giang, đáng giá, quả cảm, đức hạnh;
như khi nói aretê về một con dao nghĩa là con dao có khả năng cắt xén tốt.
J.J.L. Duyvendak gọi Đức là những đặc tính riêng biệt cho một sự vật, là
khả năng, linh lực, sinh lực thần thiêng, ma lực. Theo R. Wilhelm thì Đức
là toàn thể nhân cách một con người cùng với linh lực phân xuất ra từ con
người đó. C.S. Yang xem Đức là hiện hình của Đạo; Đạo cùng với Đức làm
nên nền tảng của thế giới mà Lão Tử gọi là trời và đất; Đạo và Đức chính là
thiên nhiên; thiên nhiên này sẽ đem lại cho con người một tác lực phi
thường nếu con người biết thuận theo thiên nhiên. Lâm Ngữ Đường gọi
Đạo là nguyên lý vô hình, Đức là nguyên lý hữu hình; Đạo là không tên,
Đức là có tên. Theo Chan Wing-tsit thì Đức có đượm một nghĩa luân lý,
nhưng khi dùng với Đạo thì Đức chính là Đạo được thể hiện trong một sự