vật cụ thể. Chan cũng hiểu Đức là sức mạnh như A. Waley đã hiểu nhưng
kèm thêm ý nghĩa đặc biệt luân lý...
c) Đức trong Đạo Đức Kinh:
Nhận xét đầu tiên là Đức trong Đạo Đức Kinh cũng được diễn tả với
những đặc tính mà thường chỉ dành riêng cho Đạo: Đức thâm viễn, huyền
vi (c. 10, 51, 65) như Đạo; Đức làm cho con người có khả năng trở nên như
con cưng con đỏ (c. 55); trở về với đơn phác, cùng với những đặc tính như
Đạo không tên (c. 25); Đức cao mà như trũng thấp, Đức giàu mà như
không đủ, Đức vững mạnh mà như cẩu thả (c. 41). Lão Tử cũng diễn tả
Đạo với cùng những ẩn dụ tương tự: Đạo thì như đêm dày...
Đức là thiện, là trung thực (c. 49), là trung tín (c. 79), là không tranh
chấp (c. 68, 73), luôn theo cùng với Đạo (c. 21); Đạo và Đức không phân
lìa nhau: Đạo sinh ra, Đức chấp chứa, cấp dưỡng, nuôi nấng, đùm bọc, bồi
sức, dưỡng nuôi, chở che, sanh mà không chiếm làm của mình, làm mà
không cậy công, là bậc trên mà không làm chủ, đó gọi là Huyền Đức (c.
51). Những ai thật theo Đạo thì tích được nhiều Đức, tích được nhiều Đức
thì không gì không khắc phục được, không gì không khắc phục được thì
năng lực của mình không biết tới đâu là cùng, năng lực không biết tới đâu
là cùng thì trị được nước, nắm được gốc mẹ của Đạo trị nước thì có thể tồn
tại được lâu dài, đó gọi là rễ sâu, gốc vững, nắm được cái Đạo trường tồn
(c. 59).
Đức trong Đạo Đức Kinh có thể tóm lược qua những điểm sau đây:
− như là vật thuộc về Đạo và không thể phân lìa khỏi Đạo;
− bao gồm những đặc tính mà chỉ Đạo mới có;
− Đạo và Đức cùng bảo trợ và nuôi dưỡng thế giới hiện tượng.
d) Đạo và Đức của Đạo: