CHƯƠNG 3
ÐẠO VÀ THẾ GIỚI HIỆN TƯỢNG
1. NHẤT:
a) Đạo trong tương quan với trời đất vạn vật:
Trong Đạo Đức Kinh có nhiều từ ngữ diễn tả mối tương quan giữa Đạo
và trời đất vạn vật: Đạo có trước trời đất (c. 25), Đạo là cội nguồn của trời
đất, là mẹ của vạn vật (c. 1), là mẹ của thiên hạ (c. 52), là tông tổ của vạn
vật (c. 4). Lão Tử còn gọi Đạo là gốc rễ của đất trời (c. 6, 16). Trong
chương 16 này, Đạo như gốc rễ không những có nghĩa là ngọn nguồn mà
còn là cùng đích, là nơi trở về của vạn vật. Đạo còn được gọi là cửa vào ra
(c. 1, 6) qua đó vạn vật đi vào sự sống. Tất cả những hình thức diễn tả về
Đạo trên đây đều nói đến tương quan của Đạo đối với thế giới hiện tượng,
mỗi từ diễn đạt một hình thức tương quan.
Nhưng còn có một từ diễn tả không những mối tương quan giữa Đạo và
thế giới hiện tượng, mà còn được đồng nhất với Đạo, đó là từ “Nhất” với
nghĩa là “Một” (c. 10, 42) hoặc “nên Một” (c. 39, 22). Nếu từ “Nhất” (đồng
nghĩa với Đạo) trong các chương 10, 22, 39 không gặp khó khăn, thì trong
chương 42 còn gặp nhiều giải thích khá phức tạp. Chương 42 này viết:
“Đạo sanh Nhất, Nhất sanh Nhị, Nhị sanh Tam, Tam sanh vạn vật, vạn vật
cõng âm ôm dương, điều hòa bằng khí trùng hư”. “Nhất” trong chương 42
này có phải là Đạo không, nếu là Đạo thì tại sao viết Đạo sanh Nhất; nếu
không phải là Đạo thì là gì?