Với sự ngờ vực này, với sự cảm nhận này, là hình ảnh thế giới cổ đại bị
lay chuyển và phá vỡ; những thị kiến mới, mạnh dạn và tươi mát, đã nói lên
kết quả của sự kiện đích thực lịch sử: Đức Phật, Khổng Tử, Zarathustra, các
tiên tri Do Thái, các triết gia Hy Lạp, tất cả họ là những chứng nhân và là
những người loan báo những chân trời mới. Sự diễn tả rất cô đọng của kinh
nghiệm toàn cầu này đã được đúc kết trong mấy dòng chữ ngắn gọn của
Lão Tử: “Người theo Đất, Đất theo Trời, Trời theo Đạo”. Trời và Đất (cùng
với các sức lực cổ đại) được “thiên nhiên hóa”. Đạo đứng hẳn lên trên mọi
thẩm cấp của hình ảnh thế giới cổ đại. Đạo vượt lên trên mọi cái lớn mà lâu
nay người ta tưởng là những thẩm cấp cuối cùng và lớn nhất.
Sự khám phá này không phải là sự khám phá của một con người đơn
độc; đó là sự khám phá của nhân loại: Đức Phật, Khổng Tử, Lão Tử,
Zarathustra, các đấng thánh và các nhà hiền triết đã chỉ là những bậc tiên
tri, những ống loa loan báo, mỗi người một vẻ tùy theo những hoàn cảnh
văn hóa và xã hội của mình. Người ta bắt đầu nghi ngờ về những truyền
thuyết cổ thời, về các thiên đế và các phương cách giải cứu; người ta bắt
đầu suy tư, triết lý về thế giới mới được khám phá; những suy luận này dĩ
nhiên chưa đi xa lắm. Ngay cả các triết gia Hy Lạp vẫn chưa muốn hoặc
chưa dám đi tới những quan niệm dứt khoát, thí dụ về một Thượng đế hay
nhiều thiên đế. Vấn đề hãy còn bỏ ngỏ. Chỉ một mình Israel đã có can đảm
(và ơn phúc) đi tới một quan niệm rõ ràng; nhưng ở đây vẫn không phải là
không có những ngập ngừng và thay đổi. Còn phải qua nhiều, rất nhiều thế
kỷ nữa, hình ảnh thế giới cổ đại vẫn còn tiếp tục ngự trị và chi phối tư
tưởng loài người.
Tại Ấn Độ và Trung Hoa, thì hoàn cảnh có khác. Ở đây, vấn đề không
đến nỗi gay gắt như tại các nước phương Tây. Người Ấn và Trung Hoa vẫn
có khuynh hướng hòa hợp hai thế giới, hoặc hai nửa thế giới phân chia, với
nhau. Người ta làm như không có gì xảy ra; nhưng quả thật thì đã có những
biến động tầy trời, kể cả ở Trung Hoa nữa. Có lẽ có người bỡ ngỡ thấy Đạo