được của Đạo. Kết luận thứ hai của chương 40 là: Có sanh từ nơi Không
(Hữu sanh ư Vô). Câu này là câu rất khó, đã làm tốn không biết bao nhiêu
giấy mực công lao của các học giả và các nhà bình giải.
Làm thế nào mà Có sanh từ nơi Không? Phải hiểu Không như thế nào?
Sau nhiều phân tích và so sánh cho đến bây giờ, ta có thể tạm đi tới một trả
lời như sau: Cái Vô, Vô Hữu, Vô Hình chỉ là khía cạnh khác, khía cạnh
đích thực và nguyên thủy của Đạo. Nếu vậy thì có hai nguyên lý trong Đạo
chăng? Trong tư duy Trung Hoa và tư tưởng của Lão Tử, không có gì xa lạ
hơn ý tưởng nhị nguyên sơ thủy này. Nhưng phải giải thích thế nào về “hai
khía cạnh” Hữu và Vô trong Đạo? Rất nhiều nhà bình chú Trung Hoa đã
bàn về vấn đề này, nhưng cách bàn của họ là diễn đạt lại cũng cùng một ý
tưởng mà không cắt nghĩa theo kiểu luận lý (lôgích) Tây phương. Vương
Bật nói: “Muôn vật trong trời đất được sinh từ nơi Hữu; Cái gốc của Hữu là
nơi Vô. Muốn đạt được toàn Hữu thì nhất thiết phải trở lại với Vô” (xem:
Chan Wing-tsit, sđd, 323). Trang Tử, triết gia trào lộng của nền tư tưởng
Trung Hoa, cũng đã viết: “Thời khởi thủy, chỉ có cái Vô, cái Vô không có
tên; Từ cái Vô sinh ra cái Một, cái Một không có hình tính...” (Trang Tử,
Nam Hoa Kinh , XII, 8: Thiên địa ). Những diễn tả của các nhà bình chú
Trung Hoa trên đây đưa đến hai nhận định về Đạo trong khởi thủy là Vô:
một là đặt Đạo ra ngoài thế giới hiện tượng và hai là nói đến tính vô hình
tích của Đạo. Chính vì Đạo không thuộc thế giới hiện tượng và vì Đạo là vô
hình tích nên gọi Đạo là Vô. Dĩ nhiên, Vô ở đây không được hiểu là không
có gì (néant, nihil).
Theo Trang Tử thì Đạo bao trùm vừa cái thế giới hiện tượng biến đổi,
vừa cả nguyên lý sáng tạo của biến đổi. Đạo vừa là Hữu vừa là Vô, vừa là
Vô vừa là Phi Vô (xem: Liou Kia-Hway, L’esprit synthétique de la Chine ,
Paris 1961, 86). Trong Nam Hoa Kinh (XXXIII, 7: Thiên hạ ), ông còn
viết: Quan Doãn và Lão Đam (Lão Tử) lập ra thuyết Vô và Hữu và quy cả
về cái Thái Nhất (Thái Cực). Khía cạnh tư tưởng của Trang Tử ở đây có
khác nhưng không xa mấy với tư tưởng trong Đạo Đức Kinh . Tư tưởng