nhưng là bởi nội dung của nó quá rộng lớn, cao cả, thâm sâu, siêu việt.
Cũng chính vì thế mà có rất nhiều cách hiểu và rất nhiều cách dịch: Đường,
Lề luật, Cách sống, Trật tự, Nguyên lý tối cao, Nguyên lý tối hậu, Nguyên
lý tuyệt đối, Dharma, Rita, Raison, Nature, Principe, Méthode, Ratio,
Vernunft, Sinn, Gesetz, Weg, Gott, Weltgrund, Wort, Der rechte Weg,
Gottheit, Leben, v.v... Thông qua rất nhiều cách hiểu và rất nhiều cách dịch
này, ta thấy được sự phong phú, đa phức, quan trọng và căn bản của Đạo.
Quan trọng và căn bản cho mỗi người, quan trọng và căn bản cho mọi
người.
Nhưng dựa trên cơ sở nào để có thể hiểu khác nhau như thế về khái niệm
Đạo và toàn bản văn của Đạo Đức Kinh ? Nguyễn Duy Cần có trích dẫn
một học giả người Âu nói rằng: “Điều quan trọng không phải là sách nói
với ta những gì, nhưng là sách khơi gợi những gì cho ta...” [1] . Chúng tôi
không đồng ý với vế câu thứ nhất, nhưng tán thành – và chỉ tán thành một
nửa – với vế câu thứ hai. Lý do cũng dễ hiểu: với vế câu thứ nhất thì
nguyên bản sẽ không còn có lý do hiện hữu, với vế câu thứ hai thì cánh cửa
tùy tiện sẽ mở rộng đến không còn biên giới. Nhà Trung Quốc học có tiếng
Richard Wilhelm (1873 − 1930) cho ta một chìa khóa nhận thức và thông
giải như sau: “... Tư tưởng của Lão Tử không chỉ giới hạn vào sự nhận
thức, nhưng những điều mà Lão Tử cống hiến là ngón tay chỉ hướng đưa ta
đến những kinh nghiệm trực tiếp về thực tại trên một bình diện cao hơn.
[...] Lão Tử muốn dẫn đưa toàn diện suy tư của con người xuống một tầng
sâu hơn, đến một sự tiếp cận trực tiếp với những tương quan đích thực của
thế giới, để cho tư duy đi đến trực thị và trải nghiệm, và từ đó ảnh hưởng
một cách có tính quyết định trên toàn bộ cuộc sống” [2] .
Suy tư và gợi ý, đó là nghệ thuật tư tưởng trong mọi nền văn học. Nhưng
điều đặc sắc trong tư duy Đông phương là, suy tư và gợi ý được đặt trên cơ
sở toàn bộ cấu trúc của tư duy thiết yếu gồm ba nguyên lý cơ bản sau đây:
trực thị thay vì phân tích biện giải, toàn diện thay vì thành phần cục bộ,
tương ứng thay vì phân rẽ biệt lập. Trực thị liên quan đến phương pháp