Nếu một đàng là đáng tiếc cho sự bỏ mất các bảo vật Phật giáo và Lão
giáo do thế hệ của Ricci, thì đàng khác lại thật xấu hổ khi nhìn thấy cả một
phong trào đi săn tìm các dấu vết của các tín điều Kitô giáo do các giáo sĩ
dòng Tên sau đó. L. Wieger nói gọn ghẽ: “quá xấu hổ mà nhận thấy
rằng...”, Tien Tschen-Kang nói về những “phóng đại rất trẻ con...”; Hegel
mỉa mai phê phán: “Có thể có một dấu vết tương quan nào đó, nhưng mà
lập thành giả thuyết khoa học về các điều đó thì thật là một điều trà dư tửu
hậu!”; Hegel ngụ ý về giả thuyết nói về tên “Di”, “Hi”, “Vi” (nghĩa là tinh
tế đến nỗi không thể thấy, nghe, sờ được) trong Đạo Đức Kinh , chương 14,
được các giáo sĩ Kitô giáo giải thích như tên Jehova cùng với mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi (Hegel, Các bài dạy về lịch sử triết học , 285).
Đến mãi thế kỷ 18, người ta vẫn tiếp tục tranh luận về danh xưng
Thượng đế, mà không đi đến một thỏa thuận nào. Cả những Kitô hữu Trung
Hoa cũng không thống nhất được ý nghĩa các tên của Chúa như Thượng đế
và Thiên. Cuối cùng, người ta phải kêu gọi đến chính Hoàng đế và Roma
nhảy vào cuộc. Năm 1700, Hoàng đế Trung Hoa thời bấy giờ công khai
tuyên bố, cúng lễ đặt trên bàn thờ trời đất không phải là để dâng trời vật
chất, nhưng là Thượng đế, Chúa tể và Nguồn gốc của trời và đất (B. Maitre,
Sagesse chinoise et philosophie chrétienne , Paris 1935, 143; J. Legge, The
Religions of China. Confucianism and Taoism described and compared
with Chris-tianity , London 1880, 66; J. Bettray, sđd, 278-279).
Cuộc tranh luận đi đến kết thúc khi Roma lấy quyền bính của mình mà
định đoạt: không phải Thượng đế cũng không phải Thiên, nhưng là Thiên
chủ mà từ nay các giáo sĩ phải dùng để truyền giảng (Thiên chủ có nghĩa là
Thiên Chúa, Chúa Trời; quyết định này được tuyên bố 4 năm sau tuyên bố
của Hoàng đế).
d) Lập trường của Khổng Tử: