Lão Tử có lập trường nào về danh xưng Đế và Thiên? Đạo của Lão Tử
có quan hệ gì với danh xưng đó? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy để cho lịch
sử lên tiếng. Các tư liệu cổ thời và khoa khảo cổ nói rằng: Đầu tiên, có
danh xưng Đế, Thượng đế; sau đó là danh xưng Thiên; danh xưng Thiên
được dùng song song với danh xưng Đế và Thượng đế một thời gian dài (
Kinh Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu ). Rồi sau đó nữa thì danh xưng Thiên chiếm
ưu thế. Trong Kinh Thi , Thiên được dùng đến 3 lần nhiều hơn Đế và
Thượng đế (chừng 90 lần Thiên đối chiếu với 30 lần Đế). Vào thời kỳ
Khổng Tử thì cụ thể danh xưng Thiên là danh xưng độc nhất. Đế và
Thượng đế càng ngày càng ít được dùng trong hàng ngũ các học trò của
Khổng Tử.
H. Maspéro nghĩ rằng, ảnh hưởng của duy lý đang trên đà phát triển cùng
với thuyết âm dương đã đóng một vai trò chủ chốt trong việc thay đổi các
danh xưng trên đây. Người ta nghĩ, mọi sự việc đều có thể giải thích do sự
phối hợp và tương tác của âm và dương, mà không cần đến giải pháp thần
linh và các thiên đế nữa. Thượng đế tránh được số mệnh các vị thần linh
khác, mất dần đi tính thân vị của mình để trở nên “đơn thuần là trời” như là
hiện thân của dương; còn như thần đất cùng với các thần chư hầu khác thì
trở nên hiện thân của âm (H. Maspéro, La Chine antique , Paris 1965,
226t).
Khổng Tử − con người hiểu biết tường tận thời cổ đại hơn các người
đồng thời − (chắc chắn ông cũng đã biết đến Thượng đế theo như ông nói:
tôi thuật lại chứ không sáng tác), cụ thể thì không bao giờ dùng danh xưng
Thượng đế. Trong Luận Ngữ , chỉ có hai lần ông dùng tên Đế để chỉ Đấng
Chủ tể Tối cao (LN III: 11 và XX: 1). Còn thì ông dùng danh xưng Thiên
để chỉ vị Chủ tể trời đất. Tiếng Thiên cũng có nghĩa thông thường là vòm
trời vật chất, số mạng, thiên nhiên. Sau này trong Tân Khổng học, danh
xưng Thượng đế cũng như Thiên bị mất đi đặc tính siêu việt xưa nay của
mình và rồi bị đào thải ra khỏi hệ thống triết học, vì các chủ thuyết duy lý