Lão Tử nói rất rành mạch: “Đạo dường như có trước Đế” (c. 4). Một câu
như thế không tìm được nơi Khổng Tử hoặc Trang Tử. Trang Tử không hề
đặt câu hỏi, ai là kẻ đứng trước. Ông cũng giống như Plato khi Plato dùng
không chút phân biệt các danh từ Thiên Chúa (Dieu) và thiên đế (dieux) mà
không muốn giải quyết vấn đề. Lão Tử đặt Đạo trên Đế; nhưng cũng chỉ là
một lần độc nhất, rồi sau đó không bao giờ dùng lại nữa.
Chỉ có Mặc Tử (468 − 376) − một triết gia lớn nhất bên cạnh Khổng Tử
và Lão Tử − có thể là người Trung Hoa đầu tiên tin vào một Đấng Thiên có
thân vị, một Thượng đế thân vị (L. Wieger, Histoire des croyances
religieuses et opinions philosophiques en Chine depuis l’origine jusqu’à
nos jours , Hien Hien 1917, 209). Hai danh xưng này đối với Mặc Tử là
đồng nghĩa. Chính giáo thuyết của Mặc Tử về một Thiên Chúa thân vị và
về đức kiêm ái đối với mọi người, đã làm cho thế giới ngoài Trung Hoa
kính nể ông, nhưng tại chính quốc Trung Hoa thì trái lại, tên ông người ta
lại ít biết đến. Tại Trung Hoa, người ta nói nhiều đến các thuyết luân lý và
chiến tranh của Mặc Tử, nhưng không đụng chạm gì đến quan niệm tin
tưởng về Thượng đế của ông.
2. THÁI ĐỘ CỦA LÃO TỬ:
a) Lão Tử và vấn đề Thiên và Đế:
Sau những gì đã trình bày trên đây, ta có thể đo lường được những khó
khăn của vấn đề Thiên Chúa. Ngay như câu hỏi, có giáo thuyết độc thần ở
Trung Hoa không, thì cũng đã là quá phức tạp rồi. Cũng bởi vì ngôn ngữ
Trung Hoa không có từ Chúa (Dieu) cũng như từ thân vị (personne).
Đàng khác, cũng không thể phủ nhận rằng, có một thần giáo mang màu
sắc đích thực độc thần ở Trung Hoa mà người ta phải ngưỡng mộ qua
những diễn tả thật quý và thật đẹp nơi Khổng Tử và Mặc Tử. Nhưng rồi