as a vehicle of christian Revelation , in: Studia Missionalia, Universitas
Gregoriana 15: 1966, 124). Một cách chung, Trời đối với các Đạo gia
không có nghĩa một Thượng đế, như thường trong trường hợp đối với
Khổng gia. Hỏi rằng Lão Tử có hiểu Trời như các Đạo gia không? Không
thể được, vì thiên nhiên đối với Lão Tử không đóng vai trò như ta thấy
trong Đạo giáo sau này, hai nữa là vì Trời được Lão Tử hiểu trong nghĩa
truyền thống mà các Đạo gia sau này không có nữa.
b) Trời với những đặc tính thân vị của Đạo:
Đạo mà ta khảo sát cho đến bây giờ hầu như luôn luôn có tính siêu hình
phi luân lý. Nhưng khi đặt chung với Đức thì Đạo lại mang những phẩm
tính luân lý. Lão Tử trong phần thứ hai Đạo Đức Kinh cũng nói đến những
tính luân lý của Trời. Vậy nay ta có thể nhìn Trời như là một khía cạnh mới
của Đạo, với một bộ mặt mới mà cho đến nay ta chưa minh thị đề cập đến
chăng? Nếu thế thì một câu hỏi mới lại được đặt ra: Đạo có phải chỉ là một
nguyên lý siêu hình vũ trụ luận, không có nội dung luân lý? Hay Đạo còn
có gì khác?
Trời trong kinh điển và nhất là trong Luận Ngữ của Khổng Tử − bên
cạnh các chiều kích khác − còn có một đặc tính rõ ràng luân lý. Trời hoạt
động và nói như là một thân vị tự do và cụ thể; Khổng Tử vẫn thường nói:
“Chỉ có Trời biết ta!” (LN 3: 13; 9: 5; 6: 26; 11: 8), nhưng vẫn không phải
là một thân vị mà ta có thể có một tương quan đối thoại “Ngài − Tôi”. Và
như thế thì có thể nói được chăng rằng, Trời vẫn không là một thân vị? (xin
xem bài sáu: 6.3.). Riêng với Lão Tử, Lão Tử quan niệm Đạo không phải
chỉ như một nguyên lý xa lạ, lạnh lùng, không có cảm xúc. Đạo của Lão Tử
còn vô vàn gần gũi hơn Thiên Chúa của một số người hữu thần.
Chính với những danh xưng khác nhau và những chức năng khác nhau
mà Lão Tử đặt cho Trời, đã là bằng chứng rằng, Đạo của Lão Tử phải trổi
cao hơn là đơn thuần một nguyên lý tự nhiên. Danh xưng “Mẹ” được nhiều
lần dùng đến, không thể chỉ là một thực thể trừu tượng của một nguyên lý