mình). Như thế trong cái tôi, ta có thể thâm nhập vào cái Tồn tại của mỗi
hiện thể, bởi chỉ có một cái Tồn tại độc nhất, và chỉ có một cái Tồn tại độc
nhất có thể cảm nghiệm được. Và cũng chính từ đây mà ta có thể hiểu được
Lão Tử, với câu trong Đạo Đức Kinh : “Bất xuất hộ, tri thiên hạ”: “Không
ra khỏi nhà, mà biết được thiên hạ”.
3. HUYỀN NHÂN LÃO TỬ VÀ TRIẾT GIA LOUIS LAVELLE −
NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ NHỮNG DỊ BIỆT:
Nhà huyền triết Trung Hoa [Lão Tử] và nhà triết học nước Pháp [Louis
Lavelle] sống cách nhau trên hai ngàn năm, xa nhau trên mười ngàn cây số,
và nhất là cách biệt bởi hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau. Dẫu vậy, tư
duy của họ cũng có thể đưa ra so sánh, và chúng tôi nhận thấy chúng có
những tương đồng cũng như những dị biệt.
Tương đồng: trước hết là thức nhận cơ bản, rằng có một tính nhất trong
sự Tồn tại, rằng tính nhất này có thể cảm nhận được, và kẻ cảm nhận không
nhất thiết phải truy tìm thế giới ngoại tại. Tương đồng: còn là nỗ lực diễn tả
được cái thức nhận nói trên. Nhưng chính nơi đây bắt đầu cho thấy những
khác biệt giữa huyền triết phương Đông và triết học phương Tây (mặc dầu
triết học này có một sắc thái huyền nhiệm).
Khác biệt: trước hết là bản văn của Đạo Đức Kinh đơn giản hơn rất
nhiều so với bản văn của Lavelle. Lavelle diễn tả trừu tượng và phức tạp
hơn. Dẫu vậy, điều diễn tả trong ngôn ngữ đơn giản của Lão Tử lại khó tiếp
cận. Ngược lại, ngôn ngữ phức tạp hơn của Lavelle đưa đến sự thật lại dễ
hiểu hơn đối với mọi người.
Khác biệt thứ hai: ngôn ngữ của Lão Tử kiệm lời mà giàu hình ảnh. Thay
vì nhiều lời thì lại có nhiều ảnh. Ngược lại, ngôn ngữ của nhà triết học
người Pháp thì trừu tượng, nhiều khái niệm, không đưa lại những điểm tựa
từ thế giới bên ngoài trợ giúp sự thông hiểu, những điểm tựa mà sự nhận