“Bậc quân tử không đánh quân địch khi họ đương ở bước khốn cùng”.
Tinh thần “quân tử”, “từ ái” khi lâm chiến của thời Xuân Thu đó, tôi nghĩ
khó mà có được trong các bộ lạc sống theo thiên nhiên khi họ đối đầu nhau
trong các cuộc săn thú. Trong chiến tranh mà muốn giữ luật thiên nhiên, thì
phải như loài cọp, loài chim ưng, loài cá mập.
Nhưng lời dưới đây Lão tử khuyên những kẻ thắng trận thì rất đúng:
“Người khéo dùng binh hễ có hiệu quả, đạt được mục đích thì thôi, không
dám ỷ mạnh hơn thiên hạ. Đạt được mục đích mà không tự phụ, đạt được
mục đích mà không khoe công, đạt được mục đích mà không kiêu căng, đạt
được mục đích mà bất đắc dĩ, đạt được mục đích mà không lấy làm mạnh”.
(ch.30).
và:
“Bất đắc dĩ phải dùng nó, mà dùng đến thì điềm đạm [tránh cực đoan] là
hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người.
Kẻ nào thích giết người thì không thực hiện được lí tưởng trị thiên hạ”
(ch.31).
Thắng mà kêu tức là tự mình đào cái hố để chôn mình. Cho nên Lê Lợi sau
khi thắng quân Minh, Quan Trung sau khi thắng quân Thanh đều đã “quả nhi
vật căng” (đạt mục đích mà không tự phụ) như Lão tử nói.
Nhưng gặp phải trường hợp mình càng khiêm nhu, địch càng tàn bạo thì làm
sao? Lão tử, như tôi đã nói, chỉ đưa ra nguyên tắc, không đi vào chi tiết. Tuy
nhiên, cứ theo chủ trương “nhu thắng cương” của ông, thì chúng ta chỉ có thể
“nhẫn”, kiên nhẫn chịu, đợi cho một ngày kia đạo sẽ “tổn” cái “hữu dư” của
họ, và khi họ suy rồi thì “dĩ đức báo oán” (chương 63). “Nhu” như vậy mới
thật là “cương” (ch.52), cần có nghị lực rất lớn, chứ không phải hèn nhát.
“Nhu” như vậy là biết mềm mỏng, chịu khuất để tự bảo toàn được: “Khúc