Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi
thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên
đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. [Hiểu] như vậy là sâu kín mà
sáng suốt. Vì nhu nhược thắng được cương cường.
Cá không nên rời khỏi vực. Lợi khí của nước không nên khoe cho dân thấy.
Đoạn trên dễ hiểu. Luật tạo hóa là “vật cực tắc phản”; hễ mạnh rồi thì sẽ yếu,
yếu rồi thì sẽ mạnh; thịnh rồi tới suy, suy rồi sẽ thịnh. Mà nhu nhược thắng
cương cường là chủ trương của Lão tử.
Có người cho như vậy là Lão tử khuyên người cầm quyền dùng âm mưu, trá
thuật như các chính trị gia thời Chiến Quốc: chẳng hạn như Tấn Hiến Công
muốn đánh nước Ngu, mới đầu đem tặng vua Ngu ngọc bích và ngựa; Hàn
Khang tử đem đất dâng Trí Bá để Trí Bá hóa kiêu, đòi đất của Ngụy; các
nước khác thấy Trí Bá quá tham, liên kết nhau diệt Trí Bá…
Chúng tôi nghĩ Lão tử ghét xảo trá, theo vô vi, đâu lại khuyên người ta dùng
âm mưu; ông chỉ muốn phá thuật của bọn âm mưu và dặn chúng nên cẩn
thận coi chừng đấy thôi.
Nhưng đoạn sau thì có phần khó hiểu, chúng tôi không thấy liên lạc với đoạn
trên ra sao. Mà “lợi khí” là cái gì? Có người bảo là khí giới sắc bén; có người
là dịch là “tài lợi”, là chủ quyền của quốc gia; có người lại giảng: “thánh
nhân là đồ dùng ích nước lợi dân” nên ẩn náu như cá ở trong vực; như vậy
không liên lạc gì với đoạn trên cả. Sau cùng có người cho “quyền mưu” là
lợi khí của nhà cầm quyền, không nên để cho người ta thấy; ý này trái với
chủ trương của Lão.
Hay là đoạn cuối đó, nên tách ra, đưa vào một chương khác chăng; mà hiểu
như sau: Cá ra khỏi vực thì chết, những tài lợi trong nước không nên khoe