cứ – mà của môn sinh.
Có điều này hiển nhiên: có những chương do người đời sau thêm vào; và đại
khái thì nó xuất hiện vào thế kỉ thứ IV, nhưng có thể qua thế kỉ thứ III nó
mới có hình thức như chúng ta thấy ngày nay.
Thuyết đó nghe được, nhưng chúng tôi vẫn thắc mắc: môn sinh viết mà tại
sao không nhắc đến tên thầy, không ghi “Lão tử bảo” hoặc “thầy bảo” (như
bộ Mạnh tử, Mặc tử…)? Hay là Lão tử đọc cho môn sinh chép? Nếu vậy thì
chính ông viết rồi. Điểm đó vẫn còn một nghi vấn.
Tuy nó không phải của một người viết, nhưng nó cũng không phải là một tập
lục, thu thập hết tư tưởng Đạo gia (vì Đạo gia gồm Lão, Trang mà tuyệt
nhiên không chứa tư tưởng của Trang); không kể mươi chương do người sau
thêm vào, còn thì tư tưởng trong Lão tử vẫn nhất quán, vẫn là của một bậc
thầy mà môn đệ đã chép lại.
Bậc thầy đó, chúng ta không biết chắc chắn tên là gì, sinh năm nào, chết năm
nào, nhưng chúng ta có thể cứ gọi là Lão tử, hay Lão Đam, như từ trước tới
nay, như vậy có hại gì đâu. Mà nếu đúng như lời Phùng Hữu Lan đoán, tác
giả Lão tử là Lí Nhĩ, nhưng mượn tên một đại chân nhân thời cổ là Lão Đam,
để giấu tên thật của mình và để cho học thuyết của mình được tôn trọng hơn,
thì sao ta lại làm trái ý muốn của Lí Nhĩ?
Tới đây chúng ta thấy bao nhiêu công trình khảo cứu trong hai ngàn năm nay
của cả trăm học giả đưa đến kết luận này: gần hết những điều Tư Mã Thiên
viết về Lão tử đều không đáng tin, may lắm là giữ được ít điều về quê quán,
tên họ, dòng dõi, tư cách (một quân tử ở ẩn) của Lão tử. Nghề sử gia bạc bẻo
thật!
C. BẢN LÃO TỬ LƯU HÀNH NGÀY NAY
Có nhiều bản Lão tử, bản dài nhất gồm khoảng 5.200 chữ, bản ngắn nhất