ngay cả những bộ chân thư như Mặc tử, Trang tử cũng có nhiều thiên
nguỵ tác, như trong Mặc tử, chỉ có những thiên Kiêm ái, Thượng
đồng, trong Trang tử chỉ có những thiên Tề vật luận, Tiêu dao du mới
đáng tin là của Mặc, của Trang; còn cả phần Mặc kinh, và các phần
Ngoại thiên, Tạp thiên đều là của người sau cả.
ngay những thiên đáng tin nhất đó cũng chưa hẳn là do chính tay Mặc
tử, Trang tử viết mà có nhiều phần chắc là do môn sinh chép. Theo
Phùng Hữu Lan (tr.45) điểm đó người trước đã nói nhiều người. Tôn
Tinh Diễn (có lẽ ở đầu đời Thanh) bảo: “Phàm gọi là sách của chư tử,
phần nhiều không phải là chư tử tự viết”. Nghiêm Khả Quân cũng bảo:
“Các sách của chư tử đời Tiên Tần đều là do môn đệ hoặc tân khách,
hoặc con cháu soạn, không phải tự tay chư tử viết”.
Những sách thời đó, tới đời Hán lại được các học giả sắp đặt, chỉnh lí lại
nữa; và những bản Mặc tử, Trang tử lưu hành ngày nay, đời Tiên Tần không
có. Khi chỉnh lí, họ thu thập tất cả các thiên họ cho là của một học phái nào
đó, gom cả vào một bộ, đặt tên là Mặc tử, Trang tử, Tuân tử… ngầm hiểu
rằng đó là tác phẩm của cả học phái Mặc, Trang, Tuân chứ không phải của
một người. Họ tuyệt nhiên không coi trọng quan niệm tác giả như chúng ta
ngày nay, mà chỉ chú trọng tới tư tưởng của mỗi phái. Họ chỉ cốt thu thập
cho đủ, không có óc phê phán, không đặt vấn đề chân hay nguỵ, cho nên
trong Hàn Phi tử ta thấy có tư tưởng của Đạo gia (như những thiên Giải Lão,
Dụ Lão); trong Trang tử, Ngoại thiên và Tạp thiên, ta thấy tư tưởng của Nho
gia (như thiên Thiên địa). Gần đây mới có một số học giả như Lương Khải
Siêu, Diệp Quốc Khánh, La Căn Trạch, Hồ Chi Tân… rán tìm xem đâu là
chân, đâu là nguỵ để định được tư tưởng của mỗi nhà ở một thời đại nhất
định chứ không phải tư tưởng của cả một phái trong ba bốn trăm năm. Công
việc đó cực kì khó.
Cuốn Lão tử cũng vậy, không phải của Lão tử viết – vậy truyện Doãn Hỉ yêu
cầu ông chép lại học thuyết trước khi qua ải chỉ là một truyền thuyết vô căn