viết sách. Tới khi xã hội loạn lạc, một số quí tộc mất địa vị, suy vi, không
được cầm quyền, mà lại có học thức, lí tưởng mới dạy học nghĩ cách cải tạo
xã hội, lập ra học thuyết riêng. Khổng tử là người đầu tiên mở đường cho
việc trứ thư lập ngôn đó.
Vì vậy bộ Lão tử không thể xuất hiện trước bộ Luận ngữ.
b) Xét về văn thể: Theo các học giả Trung Hoa gần đây thì trong hai thế kỉ
thứ III tới thế kỉ thứ II trước T.L, văn của “chư tử” tức các triết gia Trung
Hoa đã tiến bộ gần như liên tục. Mới đầu là bộ Luận ngữ chỉ dùng một thể
đơn giản nhất là kí ngôn: môn sinh của Khổng tử ghi những lời của thầy. Rồi
tới Trung Dung, Đại học cũng vẫn là kí ngôn, thêm những đoạn nghị luận
ngắn. Bộ Mặc tử mở đầu cho thể nghị luận – hay biện luận – nhưng lí luận
lắm chỗ ngây thơ và rườm. Mạnh tử cũng là kí ngôn như Luận ngữ, đúng ra
là ghi những đối thoại giữ Mạnh tử và một số vua chư hầu, một số triết gia
đương thời. Trang tử dùng ba lối: kí ngôn, lí luận vắn tắt và ngụ ngôn. Tới
Tuân tử mới bỏ hẳn lối kí ngôn mà dùng thể lí luận theo đề tài. Sau cùng là
Hàn Phi tử dùng hết các thể của người trước, có thể nói là “tập đại thành bút
pháp thuyết lí của chư tử Tiên Tần”.
Bộ Lão tử dùng một thể văn đặc biệt, xen nhiều châm ngôn, chương nào
cũng có những vế đối nhau, nhiều chỗ có vần, gần như thể phú, cho nên
không thể xuất hiện trước Luận ngữ, Mạnh tử được. Lời rất vắn tắt, hàm súc,
giống thể “kinh”, như Mặc kinh chẳng hạn, cho nên, theo họ, Lão tử nhất
định phải xuất hiện vào thời Chiến Quốc. Riêng lí do sau cùng này chúng tôi
cho là không đúng: kinh Xuân Thu của Khổng tử đâu có xuất hiện vào thời
Chiến Quốc?
3. Ngoài ra, Dư Bồi Lâm (Sách đã dẫn – tr.89) còn đưa ra lí do này nữa:
Có người đã làm thống kê thấy rằng các sách thời Tiên Tần dẫn lời trong
Lão tử khá nhiều; cuốn đầu tiên là Trang tử, nhưng chỉ trong Ngoại thiên,