PHẦN I: ĐỜI SỐNG VÀ TÁC PHẨM
CHƯƠNG I: ĐỜI SỐNG
Lão tử là một hiện tượng khá lạ trong lịch sử triết học của nhân loại. Ông là
một triết gia lớn, ảnh hưởng tới cả Đông Á ngang với Khổng tử, thời nào
cũng được dân tộc Trung Hoa tôn trọng
không như Mặc tử mà tên tuổi bị
chìm luôn trong hai ngàn năm; có phần còn hơn Khổng tử nữa vì chưa hề bị
mạt sát tàn nhẫn như họ Khổng trong bảy tám chục năm nay; mà từ năm 165
(đời Hậu Hán) lại còn được Đạo gia tôn làm Thái Thượng Lão quân, một
trong ba vị thần tối cao của họ; đền thờ ông, Đại thanh cung
, tương truyền
dựng ở tại nơi ông sinh, hiện nay vẫn còn ở tỉnh Hà Nam, hương khói lúc
này chắc đã lạnh, nhưng pho tượng cao bốn mét của ông thì may ra vẫn còn.
Vậy mà chúng ta không biết gì chắc chắn về đời ông, về cả tác phẩm bất hủ
mang tên ông nữa, mặc dầu Trung Hoa là dân tộc sớm biết trọng sử nhất thế
giới ngay từ đời Chu, ba ngàn năm trước, họ đã có các sử quan ghi chép
những biến cố quan trọng từng năm cho mỗi triều đại.
Từ thời Tư Mã Thiên, bao nhiêu người tra cứu đủ các sách cổ để tìm hiểu
Lão tử tên thật là gì, sống ở thời nào, làm gì, tiếp xúc với những ai, nhưng
chỉ đưa ra được những giả thuyết, và càng bàn lại càng thêm rối vì ý kiến
mâu thuẫn nhau, tới nỗi có người – một học giả Nhật Bản tên là Tân Điền Tả
Hữu Cát – phủ nhận hết thảy, bảo Lão tử là một con người huyền thoại,
không hề có!
Ngay đến tác phẩm Lão tử (Đạo Đức kinh là tên đời Hán đặt cho) rất ngắn,
mà mỗi nhà chấm câu một khác
, tới nay đã có trên hai trăm bản hiệu đính,
giải thích, làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Lại thêm tác phẩm đó do
ai viết, xuất hiện thời nào, cũng là vấn đề nan giải nữa. Riêng La Căn Trạch,