Và đây là chân dung người đắc đạo, con người lí tưởng của Lão:
“Mọi người hớn hở như hưởng bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta
điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ mới sinh, chưa biết cười; rũ
rượi mà đi như không có nhà để về.
Mọi người đều có thừa, riêng ta như thiếu thốn; lòng ta ngu muội, đần độn
thay!
Người đời sáng rõ, riêng ta tối tăm; người đời trong trẻo, riêng ta hỗn độn,
như sóng biển nhấp nhô, như gió vèo vèo không ngừng.
Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác
người, mà quí mẹ nuôi muôn loài (tức đạo).” (Chương 20).
Chương 56, ông viết thêm:
“Người biết thì không nói, người nói là người không biết. Ngăn hết các lối,
đóng hết các cửa, không để lộ sự tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt
ánh sáng, hoà với trần tục, như vậy gọi là “huyền đồng” (đại đồng với vạn
vật một cách hoàn toàn).
[Đạt tới cảnh giới đó thì] không ai thân, cũng không có ai sơ với mình được
(vì mình đã ngăn hết các lối, đóng hết các cửa, bỏ dục vọng, giữ lòng hư
tĩnh); không ai làm cho mình được lợi hay bị hại (vì mình không để lộ sự
tinh nhuệ, gỡ những rối loạn, giữ sự giản phác); không ai làm cho mình cao
quí hay đê tiện được (vì mình đã che bớt ánh sáng, hoà đồng với trần tục). Vì
vậy mà tôn quí nhất trong thiên hạ.
Chúng ta để ý: chương 20 (dẫn trên) ông lại ví người đắc đạo với trẻ mới
sinh nữa. Tôi đã thấy một bức hoạ vẽ Lão tử thành một ông già mập mạp,
lùn, cưỡi trâu, đầu hói, râu dài, mặt tươi tĩnh như một em bé rất dễ thương;
và được thấy một bức khác vẽ một đạo gia thành một người cũng mập, bận