kì tâm (để lòng mình hồn nhiên), đều là ý đó cả.
Chương 26 và 45, Lão bảo tĩnh thắng được náo động, thanh tĩnh là chuẩn tắc
trong thiên hạ:
“Tĩnh vi táo quân”
“Tĩnh thắng táo (…) tĩnh vi thiên hạ chính”.
Chương 37, lại nói:
“Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định”.
Hư, tĩnh thì không phí, mà tiết kiệm được tinh thần, trí óc; Lão tử gọi như
vậy là “sắc” 嗇 (hà tiện), có vậy mới sớm biết thuận theo đạo, sớm thuận
theo đạo thì tích được nhiều đức; tích được nhiều đức thì không gì không
khắc phục được, không gì không khắc phục được thì năng lực của mình
không biết tới đâu là cùng, như vậy là rễ sâu gốc vững [nắm được] cái đạo
trường tồn: “thâm căn cố đế, trường sinh cửu thị chi đạo” (ch.59). Chữ thị 視
ở đây, theo Từ Nguyên có nghĩa là hoạt 活 (sống). “Trường sinh cửu thị” ý
nghĩa cũng như “tử nhi bất vong” trong chương 33 (tử nhi bất vong giả thọ:
chết mà không mất là trường thọ).
Vậy theo Lão tử, để lòng hư tĩnh thì mau hiểu được đạo, trở về đạo, đồng
nhất với đạo, mà đồng nhất với đạo thì sẽ cùng với đạo mà trường tồn, như
vậy là bất tử, mặc dù thân xác bị huỷ hoại.
Ý nghĩa có phần bí hiểm, nhưng từ xa xưa tới nay ai cũng nhận là quả dục,
không nóng nảy, hiếu thắng, không tranh đua, lòng thanh thản thì tâm thần
vui và mạnh, mà tâm thần ảnh hưởng nhiều đến thể chất.
Đó là về tâm. Về cái thân mình, ông khuyên muốn sống lâu thì đừng nên
phụng dưỡng mình quá hậu, tức đừng hưởng thụ thái quá. “Những kẻ có thể