Không có triết gia nào đề cao đức khiêm hạ như Lão tử. Ai cũng muốn vinh
mà ông khuyên nên giữ nhục, như nước, chịu mọi cái dơ từ trên cao đổ
xuống.
Khổng tử cũng thích nước, nhưng vì một lẽ khác. Thiên Ung dã, bài 21, ông
bảo:
“Trí giả nhạo thuỷ
, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh”
(Người trí thích nước, người nhân thích núi…).
Nước lưu động, mà người trí (sáng suốt) hiểu được sự lí, biết tuỳ thời hành
động, nên thích nước. Núi vững, không dời đổi, mà người nhân giữ vững đạo
lí, cho nên thích núi.
Dưỡng sinh – Người đắc đạo
Phép dưỡng sinh (Lão tử gọi là nhiếp sinh – Ch.50) của Lão gồm hai chữ hư,
tĩnh.
Chương 16 ông viết:
“Hết sức giữ được cực hư, cực tĩnh (trí hư cực, thủ tĩnh đốc), xem vạn vật
sinh trưởng ta thấy được qui luật phản phục. Vạn vật phồn thịnh đều trở về
căn nguyên của chúng. Trở về căn nguyên thì tĩnh, [tĩnh là bản tính của mọi
vật, cho nên] trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”. Trở về mệnh là luật
bất biến (thường) của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết luật
bất biến thì vọng động mà gây hoạ”.
Chữ hư trong chương đó là hư tâm, nghĩa là để cho lòng trống không (không
hư), vô tri, vô dục. Tâm mà hư thì trừ được hết các mối oán hờn, lo lắng, tâm
hồn sẽ bình thản, thanh tĩnh, không tranh giành, không có vọng tưởng.
Chương 3 bảo phải “hư kì tâm, nhược kì chí”, chương 49 khuyên phải “hồn