thm quê đã lâu rồi. Và chàng thầm so sánh gác chuông nhà thờ ở
nhà với gác chuông ở trên này. Cái gác chuông đó, với mái ngói
rộng, màu đỏ, thẳng như mũi tên vươn lên một cách quả quyết, càng
lên cao càng hẹp dần rồi mất hút trong khoảng không. Không nghi
ngờ gì nữa, đó là ngôi nhà trần thế - chúng ta có thể xây gì khác hơn
- nhưng với mục đích cao hơn những ngôi nhà thấp bé ở phía dưới
nó, và với ý nghĩa trong sáng hơn ý nghĩa vẩn đục đời thường. Còn
ở đây, gác chuông này có lẽ là của ngôi nhà chính, để ở, một công
trình tròn trịa, đơn điệu, và sự đơn điệu của nó phần nào đươc cây
dây leo che lấp. Những tấm cửa sổ nhỏ giờ đây lấp lánh dưới mặt
trời, - có cái gì ngớ ngẩn toát ra từ sự lấp lánh đó,- trên phần mái đua
được tạo thành của gác chuông là những hình trang trí đứt đoạn, lộn
xộn và rời rạc hiện lên giữa trời xanh như thể chúng được khắc lên
đó bởi bàn tay hoảng hốt, cẩu thả của trẻ con. Cái gác chuông giống
như một người có tâm tính chán chường, sống ru rú trong phòng ở
nơi cuối cùng nhất của ngôi nhà, bỗng phá mái, nhô lên cao cho cả
thế giới biết.
K. lại dừng lại, cứ như là khi đứng yên chàng nhận xét các sự việc
tốt hơn vậy. Nhưng người ta đã quấy rầy chàng. Chàng đang đứng
trước ngôi nhà thờ của làng, thực ra đây chỉ là một điếm canh nhỏ
được xây phụ thêm một gian nhà kho để có đủ chỗ cho các tín đồ.
Đằng sau nó là trường học. Một ngôi nhà dài, thấp, đứng vô công rồi
nghề một cách đặc biệt, trong một cái vườn có hàng rào bao quanh,
phủ đầy tuyết, nó vừa gợi lên không khí cổ xưa, lại vừa có gì như
tạm bợ. Vừa lúc đó những đứa trẻ đi ra cùng với thầy giáo, chúng
túm tụm quạnh thầy, mắt dán vào anh ta, miệng huyên thuyên
không nghỉ. Bọn trẻ nói nhanh nên K. không hiểu gì cả. Thầy giáo là
một người nhỏ bé, vai hẹp, dáng đứng thật thẳng, mặc dù vậy anh ta
không đến nỗi buồn cười. Người đàn ông trẻ tuổi, tự cao này từ xa
đã chăm chú để ý tới K., sinh linh duy nhất ngoài bọn trẻ. Như
người từ xa đến, K. chào con người bé nhỏ quen ra lệnh này trước.