thuộc da. Anh ta mặc gần như toàn màu trắng, áo ngoài không phải
bằng lụa vì đấy là quần áo mùa đông như của mọi người, nhưng
trông mịn màng và sang trọng như lụa. Khuôn mặt anh ta trong
sáng với đôi mắt to, cởi mở. Anh ta lấy tay vuốt khắp khuôn mặt có
nụ cười rất đáng tin cậy như thể muốn lau đi nụ cười đó mà không
lau được.
- Anh là ai? - K. hỏi.
- Tôi tên là Barnabás, - anh ta trả lời, - tôi là ngươi đưa thư.
Anh ta nói năng một cách đàn ông mà môi vẫn khép mở dịu
dàng.
- Anh nghĩ thế nào về họ? — K. hỏi và chỉ vào đám nông dân mà
chàng vẫn chưa mất hết sự quan tâm. Với những khuô mặt đau khổ,
(như thể sọ của họ bị đập từ trên xuống, dẹt ra, và sự đau đớn đó đã
tạo nên nét mặt của họ) môi sưng lên, miệng há ra, họ hết nhìn K. lại
nhìn sang chỗ khác, ánh mắt họ chỉ lướt qua và trước khi lẽ ra quay
trở lại thì nó đã bám vào một vật xa lạ nào đó. Sau đó K. chỉ vào
những người giúp việc đang đứng tay khoác tay, má áp vào nhau
mỉm cười, không thể biết được họ cười khúm núm hay mỉa mai.
Chàng chỉ cho anh ta tất cả những người đó như là đoàn tùy tùng
buộc phải có do hoàn cảnh đặc biệt, và chờ đợi - vì cuối cùng sự tin
cậy đó chính là điều mà chàng mong đạt được - Barnabás một lần và
mãi mãi nhìn thấy sự khác biệt giữa họ và chàng. Nhưng Barnabás,
với một vẻ hoàn toàn ngây thơ, đã không hiểu ý, anh ta chỉ nghe
chàng như người đầy tớ có giáo dục nghe mọi lời nói của ông chủ,
kể cả những lời không liên quan với mình. Anh ta ngoan ngoãn đưa
mắt nhìn quanh, vẫy vẫy một hai người nông dân quen biết, và nói
vài lời với những người giúp việc. Anh ta làm những việc này một
cách thoải mái, tự nhiên mà vẫn không hòa lẫn với họ. Còn K. sau
khi bị từ chối như vậy, mà không bị người ta làm cho xấu hổ, chàng
nhớ tới lá thư có trong tay, liền mở ra. Thư viết: