như mọi nơi trên thế giới, nhưng không ai trong số họ than vãn vì
công việc quá nặng, ít ra thì cũng không có ai công khai than vãn.
Đơn thuần là chúng tôi xa lạ với những việc như thế này. Trong tinh
thần đó chúng tôi không biết đến sự khác biệt nào giữa thời gian
thông thường và thời gian làm việc. Sự phân biệt kiểu này hoàn toàn
xa lạ đối với chúng tôi. Nhưng như thế thì các thư ký phản đối
những cuộc thẩm vấn ban đêm vì lẽ gì? Có lẽ họ thương hại các
đương sự chăng? Không, điều này không thể nói đến. Các thư ký
không thương hại các đương sự, bởi vì ngay tới bản thân mình, họ
cũng chẳng biết đến thương hại. Trong thực tế, tất nhiên sự nghiêm
khắc này không có gì khác hơn là thực hiện kỷ luật sắt trong lúc thực
thi trách nhiệm công vụ, mà nếu vậy thì đương sự còn có thể muốn
gì hơn? Thực ra người ta hoàn toàn công nhận điều này (kẻ quan sát
hời hợt thì không biết được), rằng chính các đương sự sẵn sàng chịu
thẩm vấn ban đêm, và không có lời than vãn nào thật sự chống lại
các cuộc thẩm vấn ban đêm. Vậy thì tại sao các thư ký lại không
bằng lòng với chúng đến thế?
K. không biết điều đó, chàng biết ít quá, thậm chí chàng không
thể xác định xem Bürgel thật sự muốn có câu trả lời không, hay chỉ
hỏi để mà hỏi thôi. "Nếu ông cho phép tôi nằm vào giường của ông
đánh một giấc, - chàng nghĩ, - trưa hoặc tối mai tôi sẵn sàng trả lời
các câu hỏi của ông". Nhưng Bürgel xem ra không để ý nhiều đến
chàng, ông ta còn bận tâm với câu hỏi tự đặt ra cho chính mình.
- Như tôi thấy và bản thân tôi cũng đã chiêm nghiệm thì các cuộc
thẩm vấn ban đêm bị các thư ký phản đối bởi có những suy nghĩ sau
đây: ban đêm không thích hợp cho việc thẩm vấn với các đương sự,
bởi vì ban đêm khó lòng và không thể giữ được trọn vẹn tính chất
công vụ của các cuộc thẩm vấn. Điều này không phụ thuộc vào
những biểu hiện bên ngoài, tất nhiên mỗi người tùy theo sở đều có
thể duy trì một cách nghiêm túc các hình thức, đêm cũng như ngày.
Không phải vậy, mà thất thiệt chính là ở cách tiếp cận đối với sự