- Các người muốn gì tôi hoài vậy? K. kêu lên. Họ không phật ý,
quay lại lê bước về chỗ của mình. Một người trong số họ vừa đi vừa
buông một câu có ý phân bua, với nụ cười nghi hoặc (nụ cười đó còn
xuất hiện trên vài khuôn mặt khác):
- Biết đâu có thể được nghe tin gì mới.
Rồi y liếm mép, như thể mép là món ăn mới vậy. K. không nói
một lời nào làm lành với họ, không sao nếu họ biết kính trọng chàng
đôi chút. Nhưng K. chưa kịp ngồi xuống cạnh Barnabás thì đã cảm
thấy hơi thở của gã nông dân trên gáy mình. Gã nông dân nói hắn
đến lấy hộp đựng muối, nhưng K. đã hét lên giận dữ làm cho gã
nông dân bỏ cả hộp đựng muối, chạy mất. Chẳng có gì dễ hơn việc
chọc tức K., không cần làm gì khác, chỉ cần xúi giục đám nông dân
quấy chàng, chàng thấy sự quan tâm bướng bỉnh của họ còn tồi tệ
hơn cả sự xa lánh của những người khác. Đây cũng là một sự xa
lánh, bởi vì nếu chàng đến ngồi vào bàn họ, chắc họ sẽ lập tức đứng
lên bỏ đi. Nhờ sự có mặt của Barnabás mà chàng không làm ầm lên.
Tuy nhiên, chàng cũng đã quay về phía đám nông dân, vẻ hăm dọa,
và đám nông dân cũng quay về chàng. K. thấy họ đều ngồi im như
hến, không thể nhận thấy có mối quan hệ nào giữa họ với nhau, chỉ
có một việc liên kết họ lại đó là ai cũng chăm chăm nhìn chàng. Đột
nhiên K. cảm thấy việc họ quanh quẩn bên chàng không phải vì độc
ác, có lẽ là họ muốn cái gì đó ở chàng mà không nói được, hoặc nếu
không phải thế thì vì thói trẻ con, chỉ vì tính trẻ con thôi, tính trẻ con
xem ra phổ biến ở đây. Chủ quán mà không trẻ con à? Lẽ ra phải
mang bia đến cho một người khách hàng nào đó thì anh ta lại đứng
mọc rễ xuống đất, hai tay bưng hai cốc bia nhìn K. chằm chằm,
không nghe thấy chị vợ đang thò đầu ra ngoài cửa sổ nhỏ của nhà
bếp mà gào lên điều gì đó.
K. đã phần nào yên tâm, quay về phía Barnabás, chàng muốn
đuổi những người giúp việc đi chỗ khác, nhưng không tìm được lý