Không có gì bị phung phí. Mỗi mẩu vải còn tốt đều được may lại thành một
thứ đồ nào đó.
Dịp Giáng sinh trong triều có bài ca rằng:
Cây ô rô lớn lên xanh tốt
Chẳng đổi sắc bao giờ
Ta cũng thế, mãi hoài vẫn thế,
Vươn tới nàng ta thật lòng yêu.
Ô rô với thường xuân mọc lên xanh tốt.
Dẫu gió đông tới tấp trên cao.
Cây ô rô lớn lên xanh tốt,
Lẻ loi với thường xuân,
Khi hoa đã không còn
Và lá cây xanh đã rụng,
Cây ô rô vẫn xanh tươi.
Mùa xuân, năm 1528: Thomas More, đi đi lại lại, vui vẻ, luộm thuộm.
“Đúng là người đó,” ông ta nói. “Thomas, Thomas Cromwell. Đúng là người
tôi muốn gặp.”
Ông ta vui vẻ, lúc nào cũng vui; cổ áo sơ mi ông ta bẩn thỉu. “Năm nay anh
phải đi Frankfurt phải không, thầy Cromwell? Không à? Tôi nghĩ đức hồng y
có thể sai anh đến hội chợ ở đó, trà trộn trong bọn bán sách dị giáo. Ngài đã bỏ
ra rất nhiều tiền mua hết sách vở chúng viết ra, nhưng cơn thủy triều bẩn thỉu
đó cũng không bao giờ hạ xuống được.”
More, trong những tập sách nhỏ chống Luther, gọi người Đức đó là đồ thối
tha. Ông ta nói miệng con người kia chỉ là cái lỗ hậu môn của thế giới. Ta sẽ
không tin nổi những lời lẽ như thế lại phát ra từ Thomas More, nhưng đúng là
vậy đấy. Chưa ai từng làm cho tiếng La tinh tục tĩu hơn thế.
“Thực sự không phải việc của tôi,” Cromwell nói, “những thứ sách dị giáo
đó. Dị giáo ở nước ngoài thì nước ngoài giải quyết. Giáo hội ở khắp nơi.”
“Ô, nhưng một khi những kẻ Kinh Thánh này đến được Antwerp, anh biết
đấy... Cái thành phố thật là! Không giám mục, không đại học, không có chỗ
học hành nào ra hồn, không các nhà chức trách nào ra hồn để ngăn chặn đà nảy
nở của cái thứ gọi là dịch thuật, dịch kinh mà theo ý tôi là ma quỷ và cố ý làm