luôn biết rõ rằng nếu hai người họ gặp nhau ngoài đường một đêm tối trời thì
thầy Thos. Cromwell sẽ là kẻ phủi tay bỏ đi cười mỉm.
“Chúa ban phước lành cho anh,” Gardiner nói, rồi bước vào đêm ấm khác
thường này.
Cromwell đáp, “Cám ơn.”
Đức hồng y vừa viết vừa nói mà không ngẩng lên, “Thomas, trời còn mưa à?
Ta nghĩ anh tới sớm hơn kìa.”
Người chèo thuyền. Con sông. Vị thánh. Anh đã đi từ sáng sớm và cưỡi
ngựa gần cả hai tuần đi lo việc cho đức hồng y và giờ xuống từng chặng,
những chặng không dễ dàng, từ Yorkshire. Anh đã đến chỗ các thư ký của đức
hồng y ở quán trọ Gray và mượn áo quần để thay. Anh đã đi về phía Đông đến
thành phố để nghe ngóng xem những tàu nào đã về đến rồi hỏi thăm về một
chuyến hàng gửi không đăng ký mà anh đang chờ. Nhưng anh chưa ăn uống gì
và vẫn chưa về nhà.
Đức hồng y đứng lên. Ngài mở một cánh cửa, nói với mấy người hầu luôn
loanh quanh ngoài đó. “Đem anh đào ra! Cái gì, không có anh đào à? Các
ngươi bảo sao, tháng Tư à? Chỉ mới tháng Tư à? Thôi thì các ngươi phải chịu
khó làm vui lòng khách của ta vậy.” Hồng y thở dài. “Các ngươi có gì thì mang
lên đi. Mà chẳng được gì đâu, các ngươi biết mà. Sao ta phải chịu cảnh này
chứ?”
Thế là cả căn phòng nhộn nhịp lên: đồ ăn, rượu, nhóm lửa. Một người đỡ lấy
chiếc áo khoác ướt nhẹp cho Thomas với một tiếng lẩm bẩm lo lắng. Tất cả kẻ
hầu người hạ trong nhà đức hồng y đều như thế: dễ chịu, rón rén, bao giờ cũng
giữ vẻ biết lỗi và chịu phiền. Mọi khách khứa của đức hồng y đều được tiếp đãi
như nhau. Nếu suốt mười năm đêm nào anh cũng lù lù dẫn xác đến, ngồi ì ra
đó ăn ủ dột cau có thì anh vẫn là khách quý ở đây.
Đám gia nhân khép nép lui dần ra phía cửa. “Anh còn muốn gì nữa không?”
Đức hồng y hỏi.
“Mặt trời ló dạng chăng?”
“Muộn vậy à? Anh thử thách khả năng của ta đấy.”
“Bình minh là được rồi.”
Đức hồng y nghiêng đầu về phía đám gia nhân. “Ta sẽ đích thân xem xét yêu
cầu này,” hồng y nghiêm nghị bảo; và đám thuộc hạ trang trọng lẩm bẩm, rồi