Anh thấy mình đang đọc. Tâm trí anh nhảy qua các dòng chữ. Phải chăng cô
ta là một người lẩn trốn mà Cranmer đang che chở? Anh ta có biết cái giá phải
trả nếu cô ta bị bắt không? Anh kịp xem được nửa trang sách thì tổng giám
mục lách mình vào, như một cử chỉ xin lỗi muộn màng. “Cô đây là...”
Cranmer nói, “Margarete. Vợ tôi.”
“Lạy Chúa tôi.” Anh để mạnh cuốn Luther xuống bàn. “Anh đã làm cái gì
thế này? Anh gặp cô ta ở đâu? Ở Đức hả, rõ quá rồi. Đây là lý do vì sao anh
chậm trễ việc quay về. Tôi hiểu rồi đây. Tại sao?”
Cranmer nhũn nhận đáp, “Tôi không làm khác được.”
“Anh có biết nhà vua sẽ làm gì anh khi biết chuyện này không? Tay đao phủ
bậc thầy ở Paris đã chế ra một cỗ máy, có một cần trục đối trọng - tôi vẽ ra anh
xem nhé? - để khi một kẻ dị giáo bị thiêu thì cái máy đó nhúng y vào lửa rồi lại
nhấc ra để dân chúng thấy các cơn đau quằn quại của y. Bây giờ Henry đang
muốn có một chiếc. Hoặc ngài sẽ tìm một thiết bị nào đấy để xé đầu anh ra
khỏi cổ, không quá bốn mươi ngày đâu.”
Thiếu phụ ngẩng lên. “Mein Onkel...”
“Đấy là ai?”
“Cô ta đọc tên một nhà thần học, Andreas Osiander: một người dân
Nuremberg, một người theo Luther. ‘Bác của cô ta và bạn bè ông ấy,’ cô ta nói,
‘và những người có học thức ở thành phố cô ta, bọn họ tin...’”
“Đó có lẽ là niềm tin ở đất nước bà, thưa bà, rằng một mục sư nên có vợ,
nhưng ở đây thì không. Tiến sĩ Cranmer không báo trước cho bà như thế hay
sao?”
“Xin anh,” Cranmer van vỉ, “nói tôi nghe xem cô ấy nói gì. Cô ấy có trách
tôi không? Cô ấy có ước gì đang ở nhà không?”
“Không. Không, cô ta nói anh tử tế. Cái gì đã ràng buộc anh, ông bạn?”
“Tôi đã nói với anh tôi có một bí mật.”
Đúng là anh đã nói. Ghi ra bên lề. “Nhưng cứ giữ cô ấy ở đây, ngay trước
mũi nhà vua à?”
“Tôi đã cho cô ấy ở vùng quê. Nhưng tôi không thể khước từ ước mong của
cô ấy muốn xem lễ hội.”
“Cô ấy đã đi ra phố à?”
“Sao lại không? Chẳng ai biết cô ấy đâu.”