Kiềm chế giác quan (phòng hộ các căn) là cách tu tập đúng đắn. Chúng ta
nên chánh niệm về việc này trong suốt ngày. Nhưng đừng làm quá lố!. Cứ đi và
ăn và làm một cách tự nhiên. Và sau đó tu tập phát triển sự chánh niệm tự nhiên
về mọi thứ đang diễn ra bên trong mình. Đừng ép sự thiền của mình hay miễn
cưỡng bản thân mình vào những khuôn khổ cứng nhắc, thiếu tự nhiên. Gượng ép
theo khuôn khổ là một dạng khác của tham dục. Hãy kiên nhẫn. Kiên nhẫn và
chịu khó là điều cần thiết. Nếu ta hành động một cách tự nhiên và luôn chánh
niệm thì trí tuệ cũng sẽ khởi sinh một cách tự nhiên.
Hỏi:
Có cần thiết phải ngồi trong một khoảng thời gian rất lâu không?
Trả lời:
Không, ngồi nhiều tiếng đồng hồ là không cần thiết. Nhiều người vẫn hay
nghĩ rằng ngồi thiền càng lâu thì càng thêm trí tuệ. Tôi đã từng thấy mấy con gà
ngồi miết mấy ngày ở trong ổ mà có thấy con nào trở nên khôn ngoan hơn bình
thường đâu! Trí tuệ khởi sinh từ việc chánh niệm trong tất cả mọi tư thế! Sự tu
tập của chúng ta phải bắt đầu ngay sau khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng. Nó
sẽ liên tục cho đến lúc ta ngủ vào buổi tối. Đừng quan trọng mình ngồi thiền
được bao nhiêu. Điều quan trọng là phải luôn giữ mình quan sát chánh niệm cho
dù mình đang làm gì hoặc mình đang đi vào phòng vệ sinh.
Mỗi người có nhịp độ riêng tự nhiên của mình. Có người sẽ chết vào độ tuổi
năm mươi, số khác chết vào độ sáu mươi lăm, và có số chết vào độ tuổi chín
mươi. Do vậy, tương tự, sự tu tập của mỗi người là không giống hệt nhau. Đừng
lo về chuyện đó. Cố gắng chánh niệm và cứ để cho mọi sự diễn ra theo tiến trình
tự nhiên của chúng. Làm vậy tâm ta sẽ trở nên tĩnh lặng hơn và tĩnh lặng hơn
trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nó sẽ trở thành giống như một hồ nước trong suốt
tĩnh lặng ở trong rừng. Rồi thì tất cả các loài thú kỳ diệu và quý hiếm sẽ đến uống
nước ở hồ. Ta sẽ nhìn thấy một cách rõ rệt bản chất của tất mọi thứ [mọi thứ hữu
vi, sankhārās] trên thế gian này. Ta sẽ nhìn thấy nhiều thứ kỳ diệu và kỳ lạ đến và
đi. Nhưng ta thì vẫn luôn tĩnh lặng và tĩnh tại.
Những thứ khó khổ sẽ khởi sinh
và ta sẽ lập tức nhìn thấu rõ chúng. Đây chính là niềm hạnh phúc của Đức Phật.