Nghiệp là hành động. Nghiệp là dính chấp. Thân, miệng và tâm đều tạo ra
nghiệp khi chúng ta còn dính chấp. Chúng ta tạo ra những thói quen (tập khí).
Những thói quen đó làm chúng ta khổ sau đó. Đó là kết quả của sự dính chấp của
chúng ta, của những ô nhiễm trước đây và trước kia của chúng ta. Tất cả mọi sự
dính chấp đều dẫn đến tạo nghiệp. Giả sử như bạn là một kẻ trộm trước khi bạn
trở thành một Tỳ kheo. Bạn đã từng ăn cắp, làm cho người mất bị khổ, làm cho
cha mẹ mình thấy khổ nhục. Bây giờ đã là một thầy tu, khi nghĩ lại về hành động
ăn cắp đó bạn cảm thấy tồi tệ và đến giờ vẫn thấy khổ vì hành động ăn cắp đó.
Nên nhớ, không phải chỉ có hành động của thân, mà lời nói và hành động của tâm
(ý) cũng tạo điều kiện cho các nghiệp quả sau đó. Nếu bạn từng làm chuyện tốt
trong quá khứ, giờ nhớ lại bạn sẽ thấy hạnh phúc. Trạng thái hạnh phúc này của
tâm là kết quả của nghiệp đã làm. Tất cả mọi điều đều do nguyên nhân mà khởi
sinh ngay trong tích tắc hay trong tương lai. Nhưng chúng ta không cần phải bận
tâm suy nghĩ về quá khứ, hay hiện tại, hay tương lai. Chỉ đơn giản quan sát thân
này và tâm này của chúng ta. Hãy tự mình hiểu rõ về nghiệp của mình. Quan sát
cái tâm. Tu tập và bạn sẽ thấy được rõ ràng. Tuy nhiên, cũng nên chắc là bạn hãy
để nghiệp của người khác cho họ, đừng dính vào hay xía vào nghiệp của người
khác. Nếu tôi uống thuốc độc, tôi dính độc. Bạn không cần phải chia sẻ chất độc
đó với tôi! Chỉ cần nhận lấy những gì tốt mà người thầy đã đưa ra. Rồi thì bạn sẽ
được bình an, tâm bạn sẽ được như tâm của người thầy. Nếu sau này suy xét về
chỗ này, bạn sẽ thấy rõ. Ngay cả bây giờ bạn không hiểu điều tôi đang nói, nhưng
sau này tu tập, nó sẽ trở nên rõ ràng với bạn. Bạn sẽ tự mình biết rõ. Đây được
gọi là Giáo Pháp.
Khi còn nhỏ, cha mẹ thường răn dạy, la rầy và nổi giận với chúng ta. Thực
ra cha mẹ chỉ muốn tốt cho con. Lâu ngày lớn dần lên chúng ta mới hiểu được lẽ
này. Khi cha mẹ và thầy cô la rầy, chúng ta thấy bực tức. Sau này lớn lên ta hiểu
tại sao họ làm vậy. Cũng vậy, có những điều bạn sẽ hiểu ra sau một thời gian dài
tu tập. Những người quá khôn lanh thường bỏ tu sau một thời gian ngắn. Bởi họ
chẳng bao giờ chịu học (vì họ nghĩ họ biết nhiều rồi). Bạn phải dẹp bỏ cái khôn
lanh và trí thức đó của mình. Nếu bạn nghĩ bạn giỏi hơn những người khác, bạn
chỉ sẽ khổ và khổ hoài mà thôi. Thật là đáng thương. Không cần phải bực tức hay
thất vọng nữa. Hãy bắt đầu tu tập thực sự. Đó là chỉ cần quan sát cái tâm và thân
của mình.