còn gì, dù là hình sắc hay âm thanh, còn quấy nhiễu ta nữa, bởi tâm không còn
tiếp nhận chúng. Sự chú tâm của ta sẽ hội tụ nơi hơi thở.
Nếu tâm còn bị rối và không thể tập trung vào hơi thở, hãy hít vào thật sâu,
sâu đến mức có thể, rồi thở ra hết cho đến khi không còn gì. Làm như vậy ba lần,
rồi thiết lập lại sự chú tâm. Tâm sẽ trở nên yên lặng.
Tâm được yên lặng trong một chốc lát là chuyện bình thường; nhưng rồi nó
lại lăng xăng và rối động trở lại. Lúc này, ta lại tập trung, hít thật sâu lại như
trước, rồi thiết lập sự chú tâm vào lại hơi thở. Cứ làm như vậy, cứ luyện tập như
vậy. Tập luyện như vậy nhiều lần bạn sẽ trở nên thông thạo với cách đó, tâm sẽ
buông bỏ mọi thứ bên ngoài. Những nhận thức bên ngoài không thể chạm đến
tâm nữa. Lúc này sự chánh niệm (sati) đã được thiết lập vững vàng.
Khi tâm càng được thanh lọc tinh tế hơn, thì hơi thở cũng trở nên tinh tế
hơn. Những cảm giác sẽ dần dần trở nên tinh nhẹ hơn, thân và tâm sẽ thấy nhẹ
hơn. Sự chú tâm của ta chỉ hướng vào bên trong, ta nhìn thấy hơi thở-vào và hơi
thở- ra một cách rõ rệt, ta nhìn thấy tất cả mọi nhận thức một cách rõ rệt. Lúc này
ta sẽ nhìn thấy sự hòa hợp của giới, định, tuệ. Đây được gọi là con đường hòa
hợp. Khi có sự hòa hợp này, tâm của ta sẽ không còn bối rối, nó sẽ hợp nhất
thành một. Đây được gọi là sự định-tâm (samādhi).
Sau khi quan sát hơi thở một lúc lâu, hơi thở sẽ trở nên rất tinh tế; dần dần
sẽ không còn sự tỉnh giác vào hơi thở, mà chỉ còn lại đơn thuần một sự tỉnh giác
thuần túy. Hơi thở có thể trở nên rất vi tế gần như biến mất! Dường như chúng ta
'chỉ đang ngồi' đó chứ không có hơi thở nào hết. Thực là, hơi thở vẫn có đó,
nhưng nó quá vi tế, quá nhẹ như thể nó không còn nữa. Điều này là do tâm đã đạt
đến trạng thái tinh tế nhất, chỉ còn có một sự thuần tỉnh giác. Nó đã vượt qua hơi
thở. Sự-biết rằng hơi thở đã biến mất đã được thiết lập. Vậy thì lấy gì để làm đối
tượng thiền lúc này? Chúng ta lấy ngay sự-biết đó làm đối tượng thiền, đó là sự-
biết hay sự tỉnh-giác rằng hơi thở đã biến mất.
Một số điều bất ngờ có thể xảy ra trong lúc này; chúng có thể xảy ra đối với
một số người, nhưng có thể không xảy ra đối với người khác. Nếu chúng xảy đến,
ta phải có sự chánh niệm vững chắc và mạnh mẽ. Một số người thiền khi thấy hơi
thở biến mất liền hoảng sợ, họ sợ rằng mình đã chết. Chúng ta cần hiểu biết rõ
tình huống này như nó là: đó chỉ là điều tự nhiên chứ không phải chết chóc gì hết.