mùi vị, buông bỏ nó... cứ để mặc nó ở mũi! Khi những cảm giác (sướng khổ) của
thân khởi sinh, buông bỏ cái sự thích hay không thích ngay sau đó, cứ để nó tự
quay về nơi nó khởi sinh. Làm tương tự đối với các trạng thái của tâm. Đối với
tất cả mọi thứ đó, ta cứ để yên chúng theo cách của chúng. Đây chính là sự hiểu
biết. Dù sướng hay khổ cũng như nhau, tất cả đều như nhau. Đây được gọi là
thiền. Làm như vậy gọi là thiền.
Thiền có nghĩa là làm sao cho tâm được bình an, và nhờ đó trí tuệ khởi sinh.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải tu tập bằng thân và tâm để nhìn thấy và hiểu biết
những nhận thức giác quan về âm thanh, mùi hương, mùi vị, chạm xúc và những
tạo tác của tâm (tâm hành). Nói ngắn gọn, đó chỉ là vấn đề sướng và khổ. Sướng
là cảm giác dễ chịu trong tâm và khổ chỉ là cảm giác khó chịu trong tâm. Phật
dạy phải tách ly hai thứ cảm giác sướng và khổ này ra khỏi tâm. Tâm là cái-biết.
Cảm giác
là đặc tính của sướng và khổ, thích và ghét. Khi tâm chạy theo những
thứ này, chúng ta nói rằng tâm dính theo và nhận lấy những thứ sướng và khổ,
thích và ghét. Sự dính theo là hành động của tâm, còn sướng hay khổ chỉ là cảm
giác.
Khi Phật dạy chúng ta phải tách ly tâm khỏi cảm giác, ý Phật không phải là
quăng bỏ các tâm ra chỗ khác. Ý Phật là tâm phải hiểu biết sướng và khổ. Ví dụ,
khi đang ngồi thiền đạt định và sự bình an có đầy trong tâm, thì dù sự sướng có
khởi lên, nó cũng không đụng đến tâm; dù khổ có khởi lên, nó cũng không với
đến tâm. Đây là sự tách ly những cảm giác khỏi tâm. Chúng ta có thể ví như dầu
và nước. Chúng không hòa hợp nhau. Dù ta có cố trộn chúng: dầu vẫn là dầu,
nước vẫn là nước.
Trạng thái tự nhiên của tâm là không sướng, không khổ. Khi cảm giác đi vào
tâm thì mới sinh ra (nhận thức) sướng hay khổ. Nếu chúng ta có chánh niệm,
chúng ta biết rõ cảm giác sướng chỉ là cảm giác sướng, cảm giác khổ chỉ là cảm
giác khổ. Cái tâm hiểu biết sẽ không nhận lấy hay chạy theo những nhận thức
(tâm tưởng) đó. Sướng có đó, nhưng để nó nằm 'bên ngoài' tâm, không bị chôn
trong tâm. Tâm chỉ cần nhận biết một cách rõ ràng cảm nhận sướng hay khổ là gì.
Nếu chúng ta tách ly khổ khỏi tâm, điều đó có nghĩa là không còn khổ, vậy
là ta không còn nếm trải nó? Vẫn còn, ta vẫn còn trải nghiệm nó, nhưng ta biết rõ
tâm là tâm, cảm giác là cảm giác. Chúng ta không dính theo cảm giác hay mang
nó theo. Đức Phật tách ly những thứ đó bằng sự hiểu biết. Phật có còn khổ