có thời gian để thiền tập. Anh ta bị bệnh, anh ta đang đau, anh ta không tin tưởng
thân mình, và do vậy anh ta không thể thiền tập. Nếu cứ nghĩ như vậy thì mọi sự
tu tập sẽ khó khăn với bạn. Phật không dạy kiểu như vậy. Phật chỉ rằng ngay đó
chính là chỗ để tu tập. Khi chúng ta bệnh hay sắp chết chính là lúc chúng thực sự
hiểu biết và nhìn thấy thực tại.
Có người thì nói rằng họ không có cơ hội thiền tập vì họ quá bận rộn. Có
một số nhà giáo đến gặp tôi, nhưng lại nói rằng họ có quá nhiều trách nhiệm nghề
nghiệp nên không rảnh để thiền tập. Tôi hỏi họ: ''Khi các thầy đang dạy, các thầy
có thở không?'' Họ trả lời có. ''Vậy làm sao các thầy có thời gian để thở trong khi
đang bù đầu với công việc như vậy. Nói ngay chỗ này, các thầy ở quá xa với Giáo
Pháp.''
Thực ra, việc tu tập này chỉ nhắm đến tâm và những cảm giác. Nó không
phải là điều gì mình phải công phu cầu tìm, cầu chứng. Hơi thở vẫn liên tục khi
đang làm việc. Tự nhiên sẽ lo những tiến trình tự nhiên—còn tất cả những gì
chúng ta cần làm là ý thức, tỉnh giác, rõ biết về chúng. Cứ cố gắng tu tập, hướng
vào bên trong để nhìn thấy một cách rõ ràng. Thiền tập chỉ là như vậy.
Nếu chúng ta có sự có-mặt của tâm thì bất cứ việc gì chúng ta làm cũng
chính là công cụ giúp chúng ta liên tục hiểu biết sự đúng và sự sai. Có nhiều thời
gian để thiền, nhưng chỉ vì chúng ta chưa hiểu rõ cách thiền, chỉ là do vậy. Khi
đang ngủ, chúng ta thở, khi ăn chúng ta thở, đúng vậy không? Vậy tại sao chúng
ta lại không có thời gian để thiền? Bất cứ khi nào chúng ta cũng thở. Nếu nghĩ
được như vậy thì đời sống của chúng ta cũng đáng quý như hơi thở, bất cứ khi
nào chúng ta sống chúng ta đều có thời gian.
Mọi ý nghĩ là những hành vi của tâm, không phải là hành vi của thân, do vậy
chúng ta chỉ cần có sự có-mặt của tâm thì ta sẽ liên tục hiểu biết sự đúng và sự sai
mọi lúc mọi nơi. Đứng, đi, ngồi và nằm, có rất nhiều thời gian. Chỉ là chúng ta
không biết cách dùng nó một cách đúng đắn thôi. Hãy suy xét về điều này.
Chúng ta không trốn chạy khỏi cảm giác, mà chúng ta hiểu biết về chúng.
Cảm giác chỉ là cảm giác, sướng chỉ là sướng, khổ chỉ là khổ. Chúng chỉ đơn giản
là vậy. Vậy tại sao chúng ta phải dính vào chúng? Nếu tâm là khôn khéo thì chỉ
cần nó nghe được điều này là đủ để nó giúp ta tách ly tách ly tâm khỏi những cảm
giác.