Nếu chúng ta liên tục quán xét điều tra như vậy, tâm sẽ tìm thấy sự giải tỏa,
chứ không phải tâm buông bỏ và trốn chạy một cách ngu mờ và vô minh. Tâm
buông bỏ, nhưng nó hiểu biết. Không phải nó buông bỏ một cách ngu dốt, không
phải buông bỏ mọi sự vì nó không muốn mọi sự xảy ra như vậy. (Tâm hiểu-biết
thì buông bỏ nhờ sự bình tâm buông xả, chứ không phải vì ác cảm hay sân si). Nó
buông bỏ bởi nó hiểu biết theo đúng sự thật. Đó là sự nhìn thấy bản chất tự nhiên,
nhìn thấy thực tại xung quanh chúng ta.
Nếu chúng ta hiểu-biết rõ điều này thì chúng ta trở thành người khôn khéo
với những nhận thức của tâm (tâm tưởng). Khi chúng ta khôn khéo với những
tâm tưởng khởi sinh, thì chúng ta khôn khéo đối với thế giới. Đó chính là ta trở
thành “người hiểu biết thế giới”. Đức Phật là người hiểu biết rõ ràng về thế giới
và tất cả những khó khổ của nó. Phật biết rõ sự phiền não, và rằng cái không
phiền não cũng đang có mặt ngay đây. Thế giới này thực là hỗn loạn, làm cách
nào mà Phật hiểu biết về nó một cách rõ ràng? (Mới nghe có vẻ như huyền hoặc,
khó tin). Ở đây chúng ta cần hiểu rằng Giáo Pháp được dạy bởi Đức Phật là
không phải vượt quá năng lực của chúng ta. (Do vậy chúng ta hãy thử tu tập và
thiền tập một cách đúng đắn theo lời của Phật). Trong mọi tư thế sống hàng ngày,
chúng ta nên có sự có-mặt của tâm và sự tự-tỉnh-giác (sự rõ biết)—và khi đến lúc
ngồi xuống thiền tập, chúng ta cũng làm như vậy.
Chúng ta ngồi thiền để thiết lập sự bình an và tu dưỡng năng lực của tâm.
Chúng ta không thiền tập để giải trí, giải sầu hay để làm điều gì đặc biệt. Thiền
tuệ minh sát cũng chính là ngồi trong sự định tâm (samādhi). Nhiều nơi dạy rằng:
''Giờ chúng ta ngồi định tâm (thiền định), sau đó chúng ta thiền minh sát tuệ.''
Đừng phân chia thành hai loại thiền như vậy! Sự tĩnh lặng (định) là cơ sở để làm
khởi sinh trí tuệ; trí tuệ là kết quả của sự định tâm. Tuệ là quả của định. Nếu nói
giờ chúng ta thiền định trước, sau đó thiền tuệ là không đúng—bạn không thể
làm được như vậy! Chúng ta chỉ có thể phân chia chúng bằng lời nói (để dễ chỉ
dạy về ‘kỹ thuật’ thiền tập). Thực ra chúng như một con dao, một phần là lưỡi
dao, phần kia là sóng dao. Không thể tách rời lưỡi dao khỏi sóng dao. Nếu bạn
nhấc phần này lên thì bạn cũng nhấc luôn phần kia của nó. Định giúp khởi sinh trí
tuệ theo kiểu như vậy, có cái này là có cái kia, không phải là hai cái khác nhau,
hay cái này khác cái kia.