Đức Phật đã từng tu tập đủ kiểu khổ hạnh, hành xác, nhưng Phật đã điều tra
sâu sát trong tâm và cuối cùng đã nhổ sạch sự vô minh và giác ngộ. Những vị
Phật và những bậc giác ngộ khác cũng đã giác ngộ bằng tâm, bởi thân này thì đâu
hiểu biết gì. Bạn có cho thân này ăn hay không cũng không là vấn đề, nó có thể
chết bất cứ lúc nào. Những vị Phật đều tu tập cái tâm. Họ giác ngộ từ trong tâm.
Sau khi suy xét chánh niệm về tâm, Phật đã từ bỏ hai cực đoan đó—không
chạy theo sự sướng khoái, tiện nghi, và không chạy theo lối tu khổ hạnh, hành
xác—và Phật đã chọn con đường Trung Đạo giữa hai cực đoan mà Phật đã khai
giảng trong bài thuyết pháp đầu tiên. Nhưng khi mới nghe giáo lý của Phật,
chúng ta thấy nó đi ngược lại với ước muốn của chúng ta. Chúng ta suốt đời mê
thích khoái lạc và tiện nghi, ham muốn được sung sướng, và khi được vậy chúng
ta nghĩ đời mình đã tốt đẹp—đó là xu hướng chạy theo sự khoái sướng. Nhưng
nó không phải là con đường đúng đắn. Còn cách sống bất mãn, ác cảm, sân hận
và hành thân—đó là xu hướng dấn thân vào khổ hạnh. Đây là hai xu hướng cực
đoan nên tránh trên con đường tu hành.
Cái “người đi tu” chính là tâm này, chính là cái “người biết”. Nếu trạng thái
tốt sướng khởi lên, ta chạy theo nó như cái tốt—đó là xu hướng chạy theo khoái
sướng. Nếu trạng thái xấu khổ khởi lên, ta dính theo nó với sự kháng cự, sân ghét
—đó là xu hướng dấn thân vào đau khổ. Hai xu hướng đó đều là sai, đó không
phải là con đường của người thiền tập. Đó là cách của những người phàm tục,
gồm những người chỉ tham muốn chạy theo khoái lạc, và những người chỉ dấn
thân vào sự khổ hạnh, đau thương.
Người khôn trí biết rõ hai xu hướng đó, và họ từ bỏ nó. Họ không bị kích
động với những khoái lạc và đau khổ. Những thứ đó khởi sinh, nhưng họ không
dính theo nó, họ buông bỏ để chúng diễn ra theo cách tự nhiên của chúng. (Họ
biết sướng, biết khổ, nhưng tâm không bị dính theo sướng và khổ). Đây là chánh
kiến. Khi người nào hiểu biết trọn vẹn về lẽ này thì có được sự tự do tự tại.
Sướng và khổ chẳng còn nghĩa gì đối với bậc Giác Ngộ.
Phật nói rằng những bậc Giác Ngộ đã rời xa mọi ô nhiễm. Điều này không
có nghĩa là họ chạy xa khỏi ô nhiễm, họ chẳng trốn chạy đi đâu cả. Những ô
nhiễm vẫn có đó. Phật so sánh điều đó như lá sen trong ao nước. Lá cùng ở với
nước, nhưng lá không bị đính ô nhiễm trong nước. (Lá sen không thấm nước