điều tốt thiện mình đã làm; giống người vừa giúp một người bạn lại cứ đi kể cho
người khác về sự giúp đỡ tốt đẹp của mình). Hành vi dính chấp vào sự tốt lành
hay sự hiểu biết như vậy gọi là vipassanū, nó thấm nhiễm vào sự tu tập của chúng
ta.
Do vậy, khi bạn tu tập trí tuệ minh sát (vipassanā), hãy cẩn thận! Hãy đề
phòng những vipassanū, bởi vì chúng ở rất gần trong tâm, nhiều lúc bạn không
thể phân biệt được nó. Nhưng nếu có cách nhìn đúng đắn bạn có thể nhìn thấy rõ
rệt hai thứ đó, trí tuệ minh sát (vipassana) và ô nhiễm vi tế (vipassanu). Nếu nó là
loại trí tuệ ô nhiễm (vipassanū), hệ quả là khổ sẽ thường khởi sinh. Nhưng nếu nó
thực sự là trí tuệ minh sát (vipassanā) thì nó không không khởi sinh khổ; mà chỉ
có sự bình an. Mọi sự sướng và khổ đều đã bị tắt bặt. Điều này bạn phải tự tu để
tự thấy.
Sự tu tập cần phải chịu khó, kiên nhẫn. Một số người khi họ đến đây tu tập
họ không muốn bị quấy nhiễu bởi bất cứ thứ gì, họ không muốn cọ sát. Nhưng
trước giờ lúc nào chẳng có sự cọ sát như vậy. Chúng ta phải cố chấm dứt mọi cọ
sát thông qua sự cọ sát, cọ sát để dẹp hết sự cọ sát.
Vậy đó, nếu cọ sát trong tiến trình tu tập, điều đó là đúng. Nếu không có cọ
sát gì, điều đó là không đúng, bạn chỉ lo ăn lo ngủ cho thỏa thích. Khi bạn muốn
đi đâu hay nói gì, bạn chỉ làm theo những tham muốn của mình. Giáo lý của Đức
Phật là cọ sát. Sự siêu thế chống lại sự thế tục (tâm siêu thế đối chọi với tâm
phàm tục, pháp siêu thế đối kháng với pháp thế gian). Chánh kiến đối chọi với tà
kiến, sự trong sạch (thanh tịnh) đối chọi với sự ô nhiễm (bất tịnh). Giáp lý nghiền
xát với những tham muốn dục vọng của chúng ta.
Trong kinh điển có ghi lại một chuyện về Đức Phật trước khi Người giác
ngộ. Lúc đó, Phật nhận được dĩa cháo gạo (do cô Sujata cúng dường), sau khi ăn
dùng xong cháo, Phật quăng cái dĩa xuống dòng sông và niệm trong tâm niệm
rằng: ''Nếu tôi sắp đạt đến giác ngộ, cái đĩa này sẽ chạy ngược dòng nước.'' Thiệt,
cái dĩa trôi ngược dòng nước! Cái dĩa đó là tầm nhìn đúng đắn (chánh tri kiến)
của Phật, hoặc có thể ví như là Phật-trí mà Phật sắp giác ngộ đạt đến lúc đó.
Chánh tri kiến và Phật-trí không thuận theo những tham muốn dục vọng của
người phàm. Cái dĩa đã trôi ngược dòng so với cách nghĩ thường ngày của Phật,
nó “ngược dòng” so với những pháp thế gian hàng ngày của con người.