Đối với những người đời thế gian, khi họ bị chê bai hay chỉ trích họ thực sự
bực tức. Nếu họ được khen thì họ vui mừng. Nếu chúng ta hiểu biết rõ sự thật của
những trạng thái khác nhau, nếu chúng ta biết về những hậu quả của việc dính
chấp theo những sự chê khen, về những sự nguy hiểm khi dính chấp vào bất cứ
thứ gì, thì chúng ta sẽ luôn nhạy cảm về những trạng thái của chúng ta. Chúng ta
sẽ biết rằng dính chấp theo những trạng thái sẽ thực sự gây ra khổ đau. Chúng ta
nhìn thấy sự khổ đau, và nhìn thấy sự dính chấp chính là nguyên nhân tạo ra khổ
đau đó. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy những hậu quả của việc nắm giữ và dính chấp
vào những cái tốt cái xấu—đó không phải là hạnh phúc thực sự. Dính chấp, tham
chấp, ràng buộc không phải là cách hạnh phúc. Bởi vậy bây giờ chúng ta phải tìm
cách buông-bỏ.
Vậy ‘cách buông bỏ’ nằm ở đâu? Trong nhà Phật, chúng tôi nói là ''Đừng
dính vào thứ gì''. Chúng ta không bao giờ hết nghe về câu này, ''Đừng dính chấp
vào thứ gì!'' Điều này có nghĩa là “nắm bắt” hay “bắt kịp”, nhưng đừng nắm dính
hay dính theo nó. Ví dụ như cái đèn pin này. Chúng ta thấy nó và nghĩ ''Cái gì
đây?''. Chúng ta nắm nó lên và nhận biết đó là đèn pin, rồi chúng ta bỏ xuống lại,
không nắm riết nó. Chúng ta nắm bắt hay bắt kịp mọi sự theo cách như vậy. (Bắt
kịp, nhận biết, và buông bỏ).
Nếu chúng ta không nắm giữ điều gì, vậy chúng ta có thể làm gì được?
Chúng ta không thể thiền hay làm bất cứ điều gì, nên chúng ta phải nắm bắt sự
vật trước. Nắm bắt cũng là tham muốn, phải, đúng vậy, nhưng sau đó dẫn đến
công hạnh tốt, dẫn đến sự hoàn thiện và đức hạnh, tức là dẫn đến ba-la-mật
(pāramī). Ví dụ, cũng giống như vì có tham muốn đến đây, nên Thầy Jagaro
đã
đến chùa Wat Pah Pong này. Trước tiên thầy ấy phải có sự muốn đi. Nếu thầy ấy
cảm thấy mình không muốn đi đến đây, thầy ấy đã không đi. Những người khác
cũng vậy, họ đến thăm chùa này vì họ muốn đến. Nhưng khi sự tham muốn khởi
sinh, chúng ta đừng dính chấp vào nó! Vậy quý vị đến, và sau đó quý vị về lại...
Đây là cái gì? Chúng ta nắm lên, nhìn nó và nhận ra nó, ''À, đây là đèn pin''. Rồi
sau đó đặt xuống. Điều này được gọi là nắm lấy (nắm bắt, bắt kịp) nhưng không
nắm giữ nó luôn, không dính chấp vào nó, không chạy theo nó—chúng ta buông
bỏ. Nói đơn giản hơn, chúng ta chỉ nói như vầy: ''Biết, rồi buông bỏ''. Liên tục
nhìn, liên tục nhìn thấy và buông bỏ.