Lời Phật dạy là: không có cách gì tốt hơn để vượt qua khổ bằng sự nhìn thấy
được ''đây không phải là ta”, ''đây không phải là của ta''. Đây là phương pháp
tuyệt vời nhất. Nhưng chúng ta thường không chú tâm vào phương pháp này. Khi
có khổ chúng ta chỉ biết than khóc chứ không học hỏi tìm hiểu coi nó là gì. Tại
sao nó có mặt? Chúng ta phải nhìn một cách sâu sát vào những thứ khổ, phải tu
dưỡng Phật tính, tu tập để trở thành người thấy biết sự thật, người giác ngộ.
Một số các bạn có thể không biết đây là chính là Giáo Pháp. Giờ tôi sẽ nói
một số điều ngoài kinh điển. Hầu như ai cũng đọc kinh điển nhưng không phải ai
cũng nhìn ra Giáo Pháp. Hôm nay tôi sẽ nói cho các quý vị một giáo pháp bên
ngoài kinh điển. Một số người nghe có thể hiểu theo nghĩa khác hoặc không hiểu.
Giả sử có hai người đang đi với nhau nhìn thấy con gà và con vịt. Một người
trong họ nói: ''Sao con gà không giống vịt, sao vịt không giống gà?''. Ông ấy
muốn gà là vịt và vịt là gà. Điều đó thiệt vô duyên và không thể có được. Đã là
không thể có được thì dù có muốn có ước cả kiếp thì cũng chẳng được. Gà là gà,
vịt là vịt. Ông ấy cứ muốn ngang như vậy thì tự ổng khổ thôi. Người kia thì thấy
rõ vịt là vịt gà là gà thì mọi sự vẫn bình thường. Không khó khổ gì. Người kia
nhìn một cách đúng đắn.
Tương tự như vậy, quy luật vô thường (anicca) đã chỉ rõ rằng tất cả mọi thứ
trên đời đều là vô thường. Nhưng nếu bạn cứ nghĩ (muốn, chấp) mọi thứ là
thường hằng chắc chắn thì bạn sẽ khổ thôi. Mỗi khi bạn thấy cái gì thay đổi vô
thường thì bạn thấy thất vọng (khổ, bất mãn, buồn rầu). Người biết được bản chất
mọi thứ là vô thường thì anh ta thấy thư thả và dễ sống, không khó chịu hay xung
khắc với mọi thứ trên đời. Người cứ muốn mọi thứ chắc chắn thường hằng thì
luôn xung khắc và khó chịu với thế giới, cứ mất ăn mất ngủ vì điều đó. (Thường
đó là dạng người cố chấp và tham lam, tham mà không được thì sân, bực tức, bất
mãn, khó chịu, khó ở...). Đó là do ngu dốt không hiểu về quy luật vô thường, đó
là giáo lý của Đức Phật.
Nếu bạn muốn hiểu biết Giáo Pháp thì bạn phải nhìn ở đâu? Bạn phải nhìn
vào ngay thân và tâm này. Chứ không phải nhìn lên kệ tủ đựng kinh sách. Để
thực sự nhìn thấy Giáo Pháp bạn phải nhìn vào bên trong thân và tâm mình. Chỉ
có hai thứ đó. Tâm thì không nhìn thấy được bằng mắt thường, nhưng có thể nhìn
thấy được bằng ''con mắt của tâm''. Trước khi nhìn thấy Giáo Pháp bạn phải biết
nhìn vào chỗ nào là đúng. Giáo Pháp nằm trong thân thì bạn phải nhìn vào trong