giới hạnh—chúng ta phải biết cách cho và biết cách từ bỏ, không để cho sự ích
kỷ dính vào. Khi ta học tập cách cho, nếu như bạn vẫn lưỡng lự sẽ cho trái nào và
vẫn còn so đo này nọ, thì khi bạn đang ý định cho, bạn sẽ bị rắc rối; và ngay cả
khi bạn có cho trái to đi nữa, cái ý nghĩ do dự ích kỷ đó vẫn có mặt. Nhưng nếu
lúc đó bạn lập tức quyết định cho đi trái lớn và cho đi với toàn bộ ý hành thì vấn
đề được giải quyết và tốt đẹp. Đây là cách làm ngược lại tâm tính của mình, đó là
cách tu đúng đắn.
Làm như vậy ta nắm được sự kiểm soát bản thân. Nếu không làm được thì ta
là nạn nhân của bản thân mình và tiếp tục ích kỷ. Tất cả chúng ta trước giờ đều
ích kỷ. Đây là một loại ô nhiễm cần phải được loại bỏ. Trong kinh điển Pāli, sự
cho đi được gọi là ''dāna,'' có nghĩa là mang lại hạnh phúc cho người khác. Đó là
một trong những điều kiện giúp (trợ duyên) làm sạch cái tâm khỏi những ô
nhiễm, bất tịnh. Hãy soi xét về điều này và phát triển tâm bố thí trong sự tu tập
hàng ngày của bạn.
Bạn có thể nghĩ rằng tu tập kiểu như vậy chẳng khác nào cứ luôn săn đuổi
bản thân mình, nhưng thực sự không phải là vậy. Đích thực thì cách tu tập đó săn
đuổi tham dục và những ô nhiễm. Nếu những ô nhiễm khởi sinh trong tâm, chúng
ta phải làm gì đó để trị liệu nó. Những ô nhiễm giống như con mèo nhà. Nếu bạn
cứ cho nó ăn thì nó cứ đến gần bạn hoài để kiếm thêm đồ ăn, nhưng nếu bạn
ngưng cho nó ăn, sau vài ngày nó không đến gần bạn nữa. Những ô nhiễm cũng
vậy, nếu chúng không đến quấy rầy bạn, chúng sẽ để yên cho tâm bạn bình an.
Do vậy, thay vì mình sợ những ô nhiễm đó, hãy làm cho những ô nhiễm sợ mình.
Để làm cho những ô nhiễm sợ mình và không dám lại gần mình, chúng ta cần
phải nhìn thấy Giáo Pháp bên trong tâm này của chúng ta.
Giáo Pháp thì khởi sinh ở đâu? Nó khởi sinh từ sự thấy biết và sự hiểu biết
của chúng ta theo kiểu như vậy. Ai cũng có khả năng thấy biết và hiểu biết Giáo
Pháp. Đó không phải là thứ được tìm thấy trong sách vở, quý vị không cần phải
học thật nhiều thì mới nhìn thấy nó, chỉ cần quán chiếu ngay bây giờ và quý vị sẽ
thấy ngay điều tôi đang nói là gì. Ai cũng có thể nhìn thấy nó bởi nó có mặt ngay
trong tâm chúng ta. Ai cũng có những ô nhiễm, phải không? Nếu quý vị có thể
nhìn thấy chúng thì quý vị sẽ hiểu. Trước kia, chúng ta cưng chiều và bảo hộ
những thói tâm ô nhiễm, giờ thì chúng phải hiểu biết về chúng và không cho
chúng đến gần và quấy động tâm chúng ta. (Đó là tu dưỡng tâm hạnh bố thí).