ghét nghe tiếng ồn đó, nó làm khó chịu'', thậm chí ''Mấy con chim mới sáng sớm
kêu chin chít, làm ồn ào khi đang ngủ''... Khó chịu hay sự khổ khởi lên là do suy
nghĩ này nọ của ta. Ngay đó chính là nguyên nhân của khổ, nguyên nhân là do ta
không hiểu biết sự thật của vấn đề, nguyên nhân là ta chưa có được sự hiểu biết
và trí tuệ, chưa tu dưỡng được Phật trí. Chúng ta vẫn còn chưa nhìn thấy rõ ràng,
chưa tỉnh thức, chưa tỉnh giác. Đây vẫn còn là cái tâm thô thiển, chưa được tu
tập. Cái tâm như vậy là chưa thực sự có ích cho chúng ta.
Do vậy, Phật đã dạy rằng tâm này cần phải được tu tập và phát triển. Cũng
như chúng ta chăm sóc phát triển cái thân, chúng ta cũng cần phát triển cái tâm,
nhưng theo một cách khác. Để phát triển thân, chúng ta cần phải tập luyện thể
dục, chạy bộ hay các môn tập khác vào buổi sáng và chiều. Kết quả là thân được
chắc chắn, khỏe mạnh, các hệ như hô hấp và thần kinh cũng trở nên tốt hơn.
Nhưng để tập cái tâm thì chúng ta không cần động tay động chân, không cần cố
sức chuyển động, mà đưa tâm về trạng thái dừng lại, nghỉ ngơi.
Ví dụ, khi thiền tập, chúng ta chọn một đối tượng, ví dụ như hơi thở vào-ra
làm nền tảng để thiền. Đối tượng này trở thành mục-tiêu chú tâm và quán xét của
chúng ta. Chúng ta nhận biết hơi thở. Để nhận biết hơi thở, chúng ta phải theo dõi
hơi thở bằng sự tỉnh giác, nhận biết nhịp thở, sự đi vào và đi ra của nó. Chúng ta
đưa sự tỉnh giác vào trong hơi thở và buông bỏ tất cả mọi sự khác. Kết quả là ta
chỉ an trú vào duy nhất một đối tượng tỉnh giác, tâm chúng ta trở nên tươi mới
lại. Nếu chúng ta cứ để tâm nghĩ này, nghĩ nọ, nghĩ sự này sự khác, thì có nghĩa
là có nhiều đối tượng tỉnh giác và có nghĩa là tâm không được hội tụ (không hợp
nhất, không tập trung vào một điểm) thì có nghĩa là tâm không đi đến nghỉ ngơi.
Khi nói tâm dừng lại có nghĩa là tâm cảm giác như nó dừng lại, nó không
còn chạy đây chạy đó. Giống như người có một con dao bén. Nếu dùng để cắt
chặt xén búa xua nào đá, nào gạch, nào cây cỏ... thì dao sẽ mau bị cùn. Chúng ta
nên dùng dao bén để cắt gọt cái gì hữu dụng cho mình. Tâm cũng vậy. Nếu chúng
ta cứ để tâm lăng xăng chạy theo những ý nghĩ và cảm giác này nọ liên tục vô giá
trị và vô ích, thì tâm sẽ bị mệt mỏi và yếu đuối. Tâm mệt mỏi và yếu đuối vì lăng
xăng liên tục chỗ này chỗ nọ là cái tâm không có năng lượng; khi tâm không có
năng lượng thì trí tuệ sẽ không khởi sinh, bởi vì tâm không có năng lượng là tâm
không tập trung, không có định samādhi (không được tập trung, không được hợp
nhất, không được hội tụ).