điều đó chẳng có giá trị gì nhiều. Điều quan trọng là phải tu tập thực hành theo
những giáo lý đó, nếu chúng ta thực sự muốn hiểu biết về chúng. Nếu chúng ta
không chịu triển khai thực hành thì điều đó có lẽ là sự cản trở lớn nhất cho chúng
ta, có thể cho đến vô vàn kiếp sau chúng ta cũng không thể hiểu biết sâu sắc về
chỗ cốt lõi của đạo Phật. Cứ như vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được phần
cốt lõi của đạo Phật.
Do vậy, việc thực hành giống như một chìa khóa, chìa khóa của việc thiền
tập. Thiền tập là thực hành. Nếu chúng ta nắm rõ chỗ này như nắm chắc chìa
khóa trong tay, thì dù có trở ngại như ổ khóa khó đến mức nào, chúng ta cũng mở
được nó ra. Nếu chúng ta chẳng nắm gì chắc trong tay, không nắm được chìa
khóa, thì chúng ta khó mà giải mở được ổ khóa. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy
biết thứ gì quý giá nằm ở trong rương.
Thực tế có hai loại sự hiểu biết (hai loại tri kiến). Người hiểu biết Giáo Pháp
thì không sáo rỗng nói những lời do mình nghe học nhớ, mà người đó chỉ nói sự
thật (do người đó đã tự thân trải nghiệm). Người thế tục thì thường nói những lời
ngụy nghĩa, giả tạo (dù rằng ngay cả khi họ không chủ định nói láo để lừa ngay
cái gì). Ví dụ, có hai người rất lâu tình cờ gặp lại nhau trên một chuyến tàu, bởi
họ sống ở những nơi cách xa nhau. ''Trời ơi lạ thiệt, tôi vừa mới nghĩ đến anh
đó!'' hoặc ''Này anh, gặp anh tôi mừng hết lớn luôn đó!''... Thực ra không phải
vậy. Họ chẳng bao giờ nghĩ nhớ tới nhau, nhưng ai cũng hay nói lên như vậy khi
tình cờ gặp nhau. Và điều đó trở thành lời nói dối, không thật tâm. Đúng vậy, tự
nhiên cứ nói dối một cách vô ý thức như vậy. Đây là sự nói dối mà không biết
rằng tâm mình đã nói dối. Đó là một dạng tinh tế của sự ô nhiễm trong tâm, và
những điều đó xảy ra thường xuyên trong đời sống của mỗi người.
Do vậy, chúng ta cần phải tu tập cái tâm một cách khéo léo và sâu sắc. Trở
lại việc tu tập tâm, thầy Tuccho Pothila đã làm theo những lời hướng dẫn của vị
sa-di trẻ kia: thở vào, thở ra... ý thức chánh niệm về mỗi hơi thở... cho đến khi
thầy ấy nhìn thấy rõ kẻ nói dối bên trong tâm mình, nhìn thấy sự giả dối của
chính tâm mình. Thầy ấy nhìn thấy những ô nhiễm ngay khi chúng khởi lên,
giống như tỉnh giác nhìn thấy con thằn lằn ngay khi nó chạy ra khỏi hang mối
vậy. Thầy ấy nhìn thấy những ô nhiễm và nhận thức rõ bản chất đích thực của
chúng ngay khi chúng khởi sinh. Thầy ấy nhận biết rõ trong một giây khắc tâm
tạo tác ra điều gì, giây khắc tiếp theo tâm tạo tác ra điều gì khác.