Sự hiểu biết của người đời thì khác. Nhiều người không biết thiền quán về
năm thứ đầu tiên dễ nhận thấy nhất trên thân người, đó là: tóc, lông, móng, răng
và da. Họ cứ nói rằng họ đã nhìn thấy rồi, nhưng họ chỉ nhìn thấy bằng con mắt
tham dục thường ngày, bằng con mắt ''điên đảo'' chỉ nhìn ngắm những thứ họ
thích nhìn. Để nhìn thấy thân trong thân bạn phải nhìn thấu rõ hơn cách nhìn đó.
Đây là cách tu tập (thiền quán hay thiền chánh niệm về thân) có thể giúp
bứng bỏ những thói tâm dính chấp vào cái thân năm-uẩn (khandha).
Bứng bỏ
được sự dính chấp ràng buộc là bứng bỏ khổ đau, bởi sự ràng buộc dính chấp vào
thân năm-uẩn là nguyên nhân gây ra khổ. Nếu khổ khởi sinh thì nó ở ngay đây,
ngay chỗ sự dính chấp vào năm uẩn. Không phải trong bản thân năm uẩn là khổ,
mà chính sự dính chấp vào chúng, coi chúng là ‘của ta’... thì mới là khổ.
Nếu ai thiền tập và nhìn thấy rõ ràng những sự thật đó thì sự khổ sẽ dần
được tháo gỡ ra, giống như kiểu cây đinh con vít được vặn tháo ra vậy. Vặn tháo
từ từ cây đinh cây vít và nhổ nó ra. Tâm cũng vặn tháo ra theo cách như vậy, tháo
bỏ những dính chấp ràng buộc, buông bỏ buông bỏ, tháo bỏ những thói tâm đối
đãi ám mụi từ bao kiếp về cái tốt và cái xấu, về sở hữu và những thứ của-ta, về
danh và lợi, về sướng và khổ...
Nếu chúng ta không biết sự thật về những thứ của thân thì giống như ta cứ
siết chặt cây đinh con vít mãi mãi. Càng lúc càng chặt thêm cho đến khi nó
nghiền nát ta bên dưới và ta luôn bị khổ vì mọi sự mọi thứ dính chấp. Khi ta biết
rõ mọi thứ ra sao thì ta sẽ vặn tháo trở ra theo chiều ngược lại. Trong Giáo Pháp
chúng tôi gọi đó làm khởi sinh sự buông bỏ, sự chán bỏ, sự lìa bỏ (nibbidā), đó là
sự không còn mê tham hay dính chấp vào những thứ giả tạm của thân này và của
thế gian. Ta trở nên chán ngán với mọi thứ và ta dẹp bỏ sự tham chấp vào chúng.
Nếu chúng ta tháo bỏ theo cách như vậy thì chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an.
Nguyên nhân của khổ là do dính chấp vào đủ thứ. Do vậy chúng ta cần phải
loại bỏ nguyên nhân, bứng bỏ gốc rễ của nó và ngăn không cho nó tái tục gây khổ
nữa. Người đời có một vấn đề khó giải—đó là vấn đề dính chấp. Chỉ vì duy nhất
sự dính chấp này (gồm có tham và si) mà người ta giết nhau. Tất cả mọi vấn nạn,
từ phạm vi cá nhân, gia đình, xã hội... đều khởi sinh từ một nguyên nhân gốc rễ
này. Chẳng ai thắng được gì... họ giết nhau nhưng cuối cùng chẳng ai dành được
gì. Tôi không hiểu tại sao con người trên thế giới vẫn còn chiến đấu và giết nhau
như vậy để rốt cuộc chẳng được gì.