Giờ tôi xin nhắc lại, đây là cách để trở thành một người hộ đạo đích thực của
đạo Phật. Dù quý vị có thuộc những người được ủng hộ cúng dường (như Tăng,
Ni) hay thuộc những người ủng hộ (như người tại gia, thí chủ), thì quý vị cũng
cần phải suy xét vấn đề này một cách thấu suốt. Hãy tu tập pháp giới-hạnh (sīla-
dhamma) bên trong tâm mình. Đây là con đường chắc chắn nhất để ủng hộ đạo
Phật. Ủng hộ đạo Phật bằng cách cúng dường bốn loại vật phẩm như thức ăn, chỗ
ở, y phục và thuốc men thì cũng là tốt, nhưng loại cúng dường đó chỉ mới chạm
đến phần ''gỗ mềm'' của đạo Phật. Đừng quên điều đó. Một cái cây có vỏ, phần gỗ
mềm và phần gỗ lõi bên trong, và ba phần này là liên quan tương trợ lẫn nhau.
Phần lõi cũng nhờ có lớp vỏ cây và lớp gỗ mềm bên ngoài. Phần gỗ mềm cũng
nhờ có lớp vỏ cây và phần gỗ lõi bên trong. Chúng tồn tại một cách tương quan
tương tức với nhau. Cũng giống như những giáo lý về Giới Hạnh, Thiền Định và
Trí Tuệ, tức Giới Định Tuệ (Sīla, Samādhi, Paññā) của Phật. Giới Hạnh là để
thiết lập những hành động và lời nói một cách chánh trực, đúng đắn. Thiền Định
là để tập trung (gom tụ, hội tụ, hợp nhất) tâm để đạt đến khả năng định tâm. Trí
Tuệ là sự hiểu biết thấu suốt về bản chất của tất cả mọi điều kiện, hiện tượng.
Hãy học hiểu con đường này, thực hành con đường này, rồi bạn sẽ hiểu được đạo
Phật một cách sâu sắc nhất.
Nếu quý vị không hiểu được những điều này, thì quý vị sẽ luôn luôn bị dẫn
lừa và chạy theo những thứ của cải vật chất, bị dẫn lừa bởi chức vị địa vị, bởi
khoái lạc giác quan và bởi bất cứ thứ gì chạm đến quý vị. Cứ làm làm những việc
như đi chùa, ủng hộ cúng dường đạo Phật theo cách bề ngoài thì chẳng bao giờ
chấm dứt sự tranh đấu, cãi vả, thù ghét, ác độc, tranh đấu, giết hại trên thế gian
này. Nếu muốn dừng lại tất cả những hành vi (nghiệp) bất thiện đó, chúng ta cần
phải tu tập quán xét sâu sắc về bản chất của những thứ thế gian: được/mất,
khen/chê, vinh/nhục và sướng/khổ. Chúng ta phải quán xét sâu sắc về sự sống
của mình và làm cho cuộc sống diễn ra theo hướng con đường của giáo lý chánh
đạo. Chúng ta phải quán xét rằng tất cả mỗi chúng sinh trên thế gian đều là một
phần của tất cả thế giới chúng sinh. Chúng ta cũng như họ, họ cũng như chúng ta.
Họ cũng có hạnh phúc và khổ đau như chúng ta. Tất cả đều gần như nhau. Nếu
chúng ta biết quán xét theo cách như vậy, sự hiểu biết và bình an sẽ khởi sinh
trong ta. Đây chính là nền tảng của đạo Phật.