thường nói rằng: ''Tôi cố ngồi thiền nhưng tâm của tôi không tĩnh tại được phút
nào. Trong khắc này nó bay qua chỗ kia, khắc sau nó nhảy qua chỗ nọ... Làm sao
tôi có thể chặn nó ở yên một chỗ?''. Chúng ta không cần phải chặn nó dừng lại,
đó không phải là lý tu tập sự định tâm. Nơi nào có sự chuyển động thì sự hiểu
biết có thể khởi sinh ở đó. Mọi người còn than rằng: ''Tâm nó chạy khỏi và tôi
phải kéo nó về lại; rồi nó lại chạy đi và tôi phải kéo nó về lại nữa...''. Vậy đó, họ
cứ ngồi kéo tới, kéo lui như vậy.
Họ nghĩ rằng tâm của họ chạy nhảy khắp nơi, nhưng đích thực thì nó chỉ
dường như chạy nhảy như vậy. Ví dụ, nhìn coi cái sảnh đường này... quý vị nói:
''Ồ, nó to quá!'', nhưng thực ra nó không to gì hết. Dường như nó to hay không to
chỉ là do nhận thức của mỗi người. Thực ra, sảnh đường này chỉ bằng kích thước
của nó, không to không nhỏ, nhưng người ta cứ nhìn và nói nó to nó nhỏ vì họ cứ
nói theo cảm giác của họ mà thôi.
Thiền là để tìm đến sự bình an... Bạn phải hiểu rõ bình an là gì. Nếu ta
không hiểu được bình an là cái gì thì làm sao tìm ra nó được. Ví dụ, hôm nay bạn
đến chùa này có mang theo một cây viết rất mắc tiền. Giả sử ban đầu bạn gắn trên
túi áo trước, nhưng sau đó lại lấy nó ra và để vô chỗ khác, ví dụ túi quần sau. Rồi
mò tìm trong túi áo trước... không thấy! Rồi hoảng lên, hoảng lên vì hiểu lầm,
không nhìn thấy sự thật của vấn đề. Kết quả là khổ. Dù có đang đứng, đang đi,
đang ngồi, đang nằm bạn cứ luôn luôn lo nghĩ về cây viết bị mất. Sự hiểu biết sai
lầm làm cho bạn khổ. Hiểu biết một cách sai lầm gây ra khổ... ''Tức thiệt! Tôi
mới vừa mua cây viết đó vài bữa, giờ nó bị mất rồi''.
Nhưng sau này nhớ lại: ''À, chắc rồi! Khi tôi đi rửa mặt, tôi đã lấy viết gắn
vô túi quần sau''. Ngay sau khi nhớ lại, bạn cảm thấy tốt hơn, mặc dù chưa kịp
nhìn thấy cây viết. Bạn thấy không? Bạn lập tức thấy vui ngay, bạn không còn lo
lắng về cây viết nữa. Giờ bạn đã chắc chắn về nó. Ngay khi vẫn đang đi, bạn thò
tay ra túi quần sau và đúng rồi, nó ở đây. Tâm trí bạn đã đánh lừa bạn tự nảy giờ.
Sự lo lắng xuất phát từ sự không-biết và ngu-mờ của tâm trí lúc đó. Giờ thì, sau
khi nhìn thấy cây viết, sự lo lắng đó đã lặn mất. (Hết lo lắng là bình an, hết bất an
là an tâm). Loại bình an đó có được từ việc nhìn thấy nguyên nhân của vấn đề
khó khổ-- nguyên nhân gây ra khổ (samudaya). Ngay sau khi bạn nhớ ra cây viết
ở trong túi quần sau thì hết khổ, đó là sự chấm dứt khổ (nirodha).